Không giam xe vi phạm là giải pháp tốt

“Đối với người vi phạm giao thông, tạm giữ xe là hình phạt bổ sung nhưng có sức răn đe cao. Tuy nhiên, do điều kiện bảo quản chưa tốt nên nhiều xe bị xuống cấp, giảm giá trị sau thời gian tạm giữ. Để tránh lãng phí cho xã hội, cá nhân tôi ủng hộ đề xuất không giam xe vi phạm giao thông, trừ trường hợp xe không giấy tờ, phạm lỗi nghiêm trọng hay nghi ngờ xe gian” - đội trưởng một đội CSGT ở TP.HCM nói về đề xuất của Bộ Công an (Pháp Luật TP.HCM ngày 14-5).

Quá lãng phí!

Ngày 14-5, có mặt tại một số điểm tạm giữ xe vi phạm giao thông ở TP.HCM, chúng tôi nhận thấy hầu hết các xe đều bị trầy xước nặng, bụi bám dày. Đặc biệt, mỗi bãi có khoảng vài trăm xe vô chủ nằm “đắp chiếu” suốt nhiều năm. Các xe này tàn tạ đến mức gần như không thể sử dụng được.

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Thanh T. tại bãi giữ xe vi phạm ở Công viên 23-9 (do lực lượng TNXP quản lý) khi ông tới làm thủ tục nhận lại chiếc xe Future bị giữ trước đó 10 ngày. Ông T. cho biết rất lo lắng về tình trạng chiếc xe mới mua chưa lâu của mình. “Ở một bãi giữ xe khác, người bạn của tôi đã bị “luộc” cục IC khi chiếc SH bị tạm giữ do vi phạm giao thông. Do chạy về nhà mới biết xe đã bị tráo đồ nên chẳng biết phải khiếu nại với ai. Không chỉ vậy, bạn tôi còn phải tốn mấy triệu đồng để tân trang chiếc xe do trầy xước thê thảm” - ông T. kể.

Không giam xe vi phạm là giải pháp tốt ảnh 1

Nhiều xe vi phạm bị “sứt đầu, mẻ trán” nằm chen chúc trong bãi giữ xe Công viên 23-9 có nguy cơ trở thành “sắt vụn”. (Ảnh chụp ngày 14-5) Ảnh: MP

Chưa rõ thực hư chuyện tráo đồ như thế nào nhưng lo lắng của ông T. về “nhan sắc” chiếc xe của mình hoàn toàn có cơ sở. Lý do là hầu hết bãi tạm giữ xe của công an các quận, huyện đều nhỏ hẹp, không mái che nên các xe bị nhồi nhét “nghẹt thở”, phải dãi nắng dầm mưa nhiều ngày liền. Trầy xước, hư hỏng, xuống cấp là điều khó tránh khỏi.

Ông Bùi Tuấn Hùng, Tổ trưởng Tổ tạm giữ xe của lực lượng TNXP (quản lý toàn bộ số xe bị các đội CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM tạm giữ), cho hay: Dù bãi tạm giữ xe Công viên 23-9 ở trong tầng hầm, các xe được xếp ngay ngắn, gọn gàng nhưng nhiều người khi đến nhận xe vẫn than phiền. “Nào là bị trầy sơn, mất giò đạp hay gãy kính… Vì vậy, khi nhận xe bị tạm giữ, chúng tôi đều ghi nhận tình trạng xe và đề nghị CSGT xác nhận để có căn cứ giải thích cho người dân” - ông Hùng nói.

CSGT cũng ngại

Theo ông Bùi Tuấn Hùng, bãi giữ xe ở Công viên 23-9 có sức chứa khoảng 3.500 xe. TNXP chỉ tạm giữ xe tối đa ba tháng, nếu quá hạn mà người dân không đến nhận thì sẽ chuyển trả lại cho phía CSGT. Trung bình mỗi ngày bãi có thêm khoảng 100 xe vi phạm nhưng chỉ hơn 70 chiếc được nhận về.

“Ở đây luôn có một lượng xe tồn rất lớn. Đó thường là những xe không có giấy tờ, xe có giá trị thấp nhưng người vi phạm bị dính lỗi với mức phạt cao nên bỏ xe luôn. Cứ mỗi quý chúng tôi chuyển trả cho phía CSGT khoảng 2.000 chiếc xe không người nhận” - ông Hùng cho hay.

Ở nhiều địa phương, cảnh hàng trăm, hàng ngàn chiếc xe vi phạm nằm phơi nắng mưa trong thời gian dài cũng khiến phía CSGT ngao ngán. Đội phó Đội CSGT một quận xác nhận: Số xe tạm giữ quá nhiều, kho bãi lại không có mái che khiến việc bảo quản rất khó khăn. Đã vậy, việc lập hồ sơ, ra quyết định, vận chuyển xe, tạm giữ và trả xe cho người vi phạm... mất nhiều thời gian, tốn công sức nhưng có khi còn bị người dân khiếu kiện.

“Từ thực tế trên có thể thấy đề xuất không giam xe vi phạm giao thông là một giải pháp tốt. Chưa rõ biện pháp thực hiện cụ thể như thế nào nhưng tôi tin rằng điều đó sẽ giúp người dân và cả lực lượng CSGT bớt phiền hà. Giải pháp này còn giúp giảm đáng kể thiệt hại cho xã hội do xe bị hư hỏng” - vị này nói.

Dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật quy định: Khi giao phương tiện giao thông cho chính tổ chức, cá nhân vi phạm tự bảo quản, cơ quan có thẩm quyền phải tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký phương tiện. Đồng thời, thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn để phối hợp giám sát, quản lý.

Trong thời gian được giao bảo quản, người vi phạm không được phép lưu hành phương tiện đó. Nếu họ vẫn cố tình sử dụng, cơ quan chức năng sẽ chuyển phương tiện về nơi tạm giữ theo quy định. Cá nhân, tổ chức để xảy ra mất mát, bán, đánh tráo, trao đổi, cầm cố… phương tiện trong thời gian tạm giữ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

THÀNH VĂN

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm