Kiện công chứng vì sót người thừa kế

TAND TP.HCM vừa tuyên Phòng Công chứng số 6 - TP.HCM (PCC6) thua kiện trong vụ đề nghị hủy văn bản công chứng do sót người thừa kế. Nhiều người cho rằng việc để lọt người thừa kế là do đương sự kê khai sót, không phải lỗi của công chứng viên. Vụ việc không có tranh chấp nên không thể xem là vụ án dân sự để buộc PCC6 đóng án phí…

Sót con ở nước ngoài

Năm 2006, bà M. đã họp gia đình thống nhất chia di sản của chồng để lại cho bà và hai người con (một người con đã chết nên dâu và cháu nội bà được hưởng).

Tiếp đó, bà M. nhờ PCC6 công chứng văn bản thỏa thuận trên. Sau một tháng niêm yết công khai thông báo về vụ việc theo quy định, không thấy ai tranh chấp, cuối năm 2006 công chứng viên đã đóng dấu, công chứng văn bản…

Kiện công chứng vì sót người thừa kế ảnh 1

Sáu năm sau, ba người con của bà M. đang định cư ở nước ngoài phát hiện ra sự việc. Họ cho rằng văn bản thỏa thuận chia di sản của cha sót tên mình nên một trong ba người khởi kiện ra TAND TP.HCM yêu cầu hủy văn bản thỏa thuận.

Được triệu tập với tư cách bị đơn, PCC6 khẳng định mình thực hiện đúng quy trình. Bà M. và các con khai sót người thừa kế là thiếu sót của phía này, PCC6 không có lỗi, đề nghị tòa xử theo quy định.

Là bị đơn, phải đóng án phí

Vừa qua, TAND TP.HCM đã đưa vụ án ra xử sơ thẩm. HĐXX nhận định đây là vụ kiện yêu cầu hủy bỏ văn bản trái pháp luật, không liên quan đến việc phân chia di sản. Các đương sự khai không đầy đủ những người cùng hàng thừa kế, dẫn đến việc xác nhận văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế của công chứng viên không đúng. Tòa tuyên bố văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng nói trên vô hiệu. PCC6 phải chịu án phí sơ thẩm 200.000 đồng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Huỳnh Thị Ngọc Yến (Trưởng phòng PCC6) cho biết đơn vị đã kháng cáo bản án này. Bà Yến nói: “Công chứng viên làm đúng, đầy đủ quy trình công chứng văn bản này. Tòa án có quyền tuyên bố văn bản vô hiệu nhưng lỗi không thuộc chúng tôi. Đồng thời, tòa xác định chúng tôi là bị đơn là cũng không ổn. Làm như vậy vô hình trung tòa bắt chúng tôi phải gánh chịu cả phần sai của người khác…”.

▲▲▲

Được biết mới đây, PCC3 (TP.HCM) cũng bị TAND quận Thủ Đức triệu tập với tư cách là bị đơn trong một vụ án tương tự như trên...

Việc dân sự chứ không phải vụ án dân sự

Trong vụ này, TAND TP.HCM xác định PCC6 là bị đơn là chưa phù hợp pháp luật. HĐXX nhận định: Đây là vụ án yêu cầu hủy bỏ văn bản trái pháp luật. Không có tranh chấp phân chia tài sản. Nếu có yêu cầu giải quyết tranh chấp thì được tách ra giải quyết bằng vụ án khác. Như vậy theo quy định, đây là việc dân sự (yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu) chứ không phải là vụ án dân sự vì không có tranh chấp. Nếu là việc dân sự thì PCC6 không thể tham gia với tư cáchbị đơn. Theo Điều 312 và Điều 339a Bộ luật Tố tụng dân sự, trong loại việc dân sự chỉ có thể xuất hiện các tư cách là người yêu cầu, người có liên quan.

Theo tôi, tòa án cấp phúc thẩm phải hủy vụ án này để tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết lại từ đầu theo hướng đây là việc dân sự. Khi đó người yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu phải đóng lệ phí cho yêu cầu của mình.

Luật sưPHẠM ĐÌNH HƯNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm