Lợi dụng dịch COVID-19 để tham nhũng là phải xử lý nặng
Chiều 11-5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 3 đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 6 trước kỳ họp thứ 9 - QH khóa XIV, tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 6.
Tại đây, một số cử tri đã chia sẻ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua.
Cử tri Đặng Văn Rần (ngụ phường 14, quận 6) bức xúc về việc thổi giá vật tư y tế trong thời điểm chống dịch COVID-19. Ảnh: LÊ THOA
Cán bộ lợi dụng chống dịch để tham nhũng
Cử tri Đặng Văn Rần (ngụ phường 14) nhìn nhận công tác chống dịch của nước ta có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có những chiến thuật chỉ có ở Việt Nam như phương châm bốn tại chỗ, đảm bảo minh bạch thông tin, lấy dân làm gốc, huy động nguồn lực cộng đồng, phản ứng nhanh, xử lý quyết liệt,…
Tuy nhiên, nhiều cán bộ lại lợi dụng việc chống dịch để tham nhũng. Chẳng hạn như ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội và còn có những trường hợp khác.
“Lợi dụng lúc cả nước chống dịch mà tham nhũng là phải xử lý thật kiên quyết, thật nặng” - cử tri Rần bức xúc.
Ông cũng đề cập đến công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta trong 15 năm qua từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 ra đời. Theo ông Rần, công tác này yếu nhất là ở khâu bộ máy và trách nhiệm kiểm tra, giám sát chưa đảm bảo.
Cử tri Rần đề nghị thành lập Văn phòng Ban Nội chính Trung ương phía Nam, có lịch tiếp dân, sẵn sàng lắng nghe và đối thoại với dân về phòng chống tham nhũng.
“Tăng cường kiểm tra kết quả giải quyết tố cáo tham nhũng, không thể chỉ "kính chuyển" là hết” - ông Rần nói.
Cử tri Nguyễn Thị Hồng Nhung (ngụ phường 11, quận 6) bức xúc về việc tổ trưởng lên danh sách hỗ trợ khó khăn vì dịch lại thiên vị người nhà. Ảnh: LÊ THOA
Cũng về công tác phòng chống dịch, cử tri Nguyễn Thị Hồng Nhung (ngụ phường 11) nhìn nhận thời gian qua các địa phương đã chung tay làm tốt công tác chăm lo cho bà con khó khăn. Ngoài kinh phí của Nhà nước, chính quyền cũng vận động mạnh thường quân chăm lo gạo, nhu yếu phẩm, bà con rất hài lòng.
Theo bà Nhung, phần đông địa phương lên danh sách các hộ khó khăn để hỗ trợ rất kỹ càng nhưng cũng có trường hợp làm không chính xác.
“Khi giao tổ trưởng làm danh sách hỗ trợ để đưa lên, có trường hợp tổ trưởng đưa không chính xác, thiên vị bà con, dòng họ. Cái đó là có. Đưa những người quen mình vào…, gây bức xúc” - cử tri Nhung nêu.
Cử tri Nhung cũng bày tỏ không đồng thuận với thông tin có địa phương đòi xây tượng đài trong lúc đất nước đang chống dịch, còn khó khăn.
“Xây tượng đài rất tốn tiền, trong khi lúc này ở miền Tây nước mặn xâm nhập, sao mình không để số tiền đó chăm lo cho bà con…” - cử tri Nhung nói thêm.
Ngoài ra, cử tri Nguyễn Thị Hồng Nhung cũng đề nghị ĐBQH kiến nghị siết chặt Luật An ninh mạng, không để các YouTuber, mạng xã hội xuyên tạc thông tin không đúng, không để họ “muốn nói gì thì nói”.
Bà cũng bày tỏ về tình trạng người nghiện đi trại cai nghiện tám năm về vẫn tái nghiện, công an gặp khó khăn để đưa đi cai lần nữa do vướng luật.
Hỗ trợ sai đối tượng là có lỗi với dân
Thay mặt Đoàn ĐBQH TP đơn vị 3, Trung tướng Lâm Quang Đại - Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết sẽ ghi nhận tất cả ý kiến của bà con, truyền đạt lên nghị trường QH.
Trung tướng Lâm Quang Đại, ĐBQH, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, ghi nhận các ý kiến của cử tri quận 6. Ảnh: LÊ THOA
Nhìn nhận về công tác phòng, chống dịch COVID-19, ĐB Lâm Quang Đại cho biết cả nước đã đạt kết quả cao, nhiều ngày chưa phát sinh dịch bệnh trong nước. Nhưng cũng chưa thể nói dịch đã hết mà bà con vẫn phải tuân thủ Chỉ thị 19 của Thủ tướng.
“Trong chỉ thị của Thủ tướng cũng nói rõ về chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân khó khăn. Cụ thể, tất cả lãnh đạo, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị phải rà soát đúng đối tượng. Nếu sai đối tượng là có lỗi với nhân dân, với Đảng, Nhà nước” - ĐB Lâm Quang Đại khẳng định.
Theo ĐB Đại, trong lúc khó khăn, Nhà nước đã rất quan tâm đến người dân khó khăn. Từ đó, lan tỏa rất nhiều tấm gương giúp đỡ lẫn nhau như các ATM gạo. Quân đội chống dịch cũng nhận được máy khử trùng, khẩu trang,… từ các doanh nghiệp, thể hiện sự đồng lòng của Đảng, Nhà nước, quân và dân ta.
Bà Phan Thị Bình Thuận - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM đang trao đổi với cử tri bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA
“Có gương người tốt thì cũng có những kẻ lợi dụng phòng chống dịch để vụ lợi cá nhân như mua máy móc đã nâng giá lên, hiện đang bị xử lý” - ĐB Đại thừa nhận và đồng thời chia sẻ với những góp ý về công tác phòng chống tham nhũng của cử tri.
Về vấn đề hạn mặn ở miền Tây, ĐB Lâm Quang Đại cho biết có nhiều lý do. Trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu và việc xây dựng các đập thủy điện. Tuy nhiên, hiện Chính phủ đã có nhiều giải pháp và ĐB Đại cũng suy nghĩ rằng phải có giải pháp mạnh hơn trước tình trạng này.
Bỏ sao y chứng thực để cán bộ có thời gian lo cho dân hơn
Cử tri Phạm Văn Phi (ngụ phường 10) đề nghị nên bỏ sao y chứng thực để tăng thêm thời gian cho cán bộ lo việc cho dân.
Cử tri Phạm Văn Phi (ngụ phường 10, quận 6) đề nghị hạn chế việc sao y chứng thực, để cán bộ có nhiều thời gian chăm lo cho dân. Ảnh: LÊ THOA
Theo cử tri Phi, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về vấn đề này. Tuy nhiên có tình trạng "trên bảo, dưới không nghe". Cử tri Phi kiến nghị ĐBQH sớm vào cuộc để người dân giảm thời gian đi lại, chờ đợi, để còn lo việc khác.
Về vấn đề này, ĐBQH Lâm Quang Đại cho biết sau khi Chỉ thị 17/2014 của Thủ tưởng về một số biện pháp chấn chỉnh lạm dụng nộp bản sao có chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính thì tình trang này cơ bản đã giảm.
Các cơ quan tiếp nhận đã thực hiện đối chiếu bản chính và bản sao mà không cần bản sao có chứng thực.
“Thế nhưng vẫn có những nơi chưa thực hiện nghiêm. Tôi đề nghị cử tri phát hiện cơ quan đơn vị nào thực hiện chưa tốt thì có phản ánh, kiến nghị để cấp trên giải quyết” - ĐB Đại đề nghị.
(PLO)- “Công tác chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước là kiên quyết không có vùng cấm, kể cả là cán bộ cấp cao của Nhà nước; cả quân đội, công an đều đã có những người đã bị xử lý theo quy định” - đại biểu Quốc hội Lâm Quang Đại nói.