Lý do lùi sửa Luật Đất đai

Sáng 22-5, Quốc hội (QH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) QH đặc biệt quan tâm, thảo luận trực tuyến là việc Chính phủ đề nghị rút Luật Đất đai (sửa đổi) ra khỏi chương trình làm luật năm 2020.

Lùi rồi, lùi đến bao giờ?

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị cần đánh giá trách nhiệm của các cơ quan liên quan trình dự án luật này trước khi đề nghị rút ra khỏi chương trình. “Dự án luật này đã đưa vào chương trình kỳ họp thứ 8, sau đó cũng vì lý do chuẩn bị chưa xong đã xin rút ra và chuyển sang kỳ họp 9. Đến nay tiếp tục xin rút ra. Vậy chưa biết lùi đến bao giờ?” - ĐB Kim Bé đặt câu hỏi.

Theo ĐB Kim Bé, vấn đề quản lý đất đai thời gian qua có quá nhiều vướng mắc, nhiều quy định chung chung, chưa rõ ràng, chồng chéo, nhiều phát sinh mới không được điều chỉnh… “Cử tri đặt ra vấn đề tại sao không sửa đổi Luật Đất đai kịp thời. Cử tri và chính quyền địa phương mong mỏi có một đạo luật phù hợp, thực sự rõ ràng để chính quyền địa phương quản lý đất đai chặt chẽ hơn, còn người dân chấp hành pháp luật về đất đai được tốt hơn, từ đó hạn chế được việc khiếu kiện” - ĐB Kim Bé nhấn mạnh.

Phân tích sự vênh nhau của chính sách đất đai với quy hoạch, xây dựng, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho hay điều này khiến người dân khổ sở, bức xúc rất nhiều. Theo đó, bà đề nghị phải đưa ra được thời điểm để sớm sửa Luật Đất đai. “Phải định hình xem khi nào QH sẽ sửa Luật Đất đai, không thể nói vào thời điểm thích hợp. Thời điểm thích hợp là khi nào? Cho nên tôi nghĩ rằng ĐBQH cũng nên cân nhắc vấn đề này để trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng phải đặt ra yêu cầu đối với Chính phủ để có sự tập trung” - ĐB Tâm nói.

ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng đề nghị phải đưa Luật Đất đai sửa đổi ra lấy ý kiến chậm nhất tại kỳ họp 2 của QH khóa XV (dự kiến tháng 7-2021). “QH giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tổng kết, đánh giá để làm cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013, không chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập đang phát sinh và để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới” - ông Xuân nói.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình làm rõ tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Ảnh: quochoi.vn

Chính phủ đã “nâng lên, đặt xuống”

Về việc lùi sửa Luật Đất đai, ĐB Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, cho hay bản thân ông cũng đồng ý với việc cho rút dự án Luật Đất đai ra khỏi chương trình. “Lý do vì sao? Chúng ta biết Luật Đất đai năm 2013 được ban hành, tổng kết rất kỳ công, thông qua tại ba kỳ họp, làm hết sức cẩn thận, rất chặt chẽ. Tôi đề nghị nên để Luật Đất đai rút ra khỏi chương trình và giao cho Chính phủ tổng kết hết sức toàn diện” - ông Sơn nói.

ĐB Sơn nói: “Qua theo dõi của Ủy ban Kinh tế thì có nhiều nội dung trong Luật Đất đai không phải là vướng từ luật, mà vướng từ thực tế triển khai thực hiện. Do đó cần phải rà soát những vấn đề nào vướng trong luật và những vấn đề nào từ trong thực tế, ta phải phân định rõ hết sức từng bước một”. ĐB Sơn dẫn chứng một nội dung cần xử lý trong dự án Luật Đất đai như tập trung tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa…

2 lần Chính phủ đã nâng lên, đặt xuống việc sửa Luật Đất đai. Hai lần xin đưa vào rồi xin rút ra, sau đó đề xuất sẽ có một nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH để xử lý một số vấn đề vướng mắc, bức xúc.

(Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long) 

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay Luật Đất đai là một luật hết sức khó. “Chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến bức xúc và phê bình của các ĐBQH. Tôi thấy nguyên nhân chủ quan là chủ yếu các cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ cũng chưa đầu tư hết công sức, cũng có thể có phần khó, vướng mắc như vậy. Chúng tôi xin tiếp tục bàn với Bộ TN&MT để làm việc này” - ông Long nói.

Ông Long cũng lý giải thêm, Luật Đất đai được thông qua năm 2013 cùng với Hiến pháp 2013. Trước đó, năm 2012 Ban chấp hành Trung ương thông qua một nghị quyết về những chính sách cơ bản, định hướng chủ trương về các vấn đề liên quan đến đất đai, dự kiến đến năm 2021 sẽ tổng kết lại. “Bây giờ nó muộn thì cũng đã muộn rồi, nếu chúng ta cứ tiếp tục đưa vào chương trình thì sợ chưa chín. Đây là việc khó” - ông Long nói.

Ông Long cũng khẳng định sẽ báo cáo lại Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo cách sẽ đề nghị Bộ TN&MT chuẩn bị ngay từ bây giờ và chờ Ban chấp hành Trung ương tổng kết về chính sách đất đai. Từ đó, sẽ sửa luật để sớm thông qua vào đầu nhiệm kỳ tới.

Nhanh lên chứ đừng lùi nữa

ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhấn mạnh tính bức thiết cần sửa Luật Đất đai, vì chính sách đất đai với những bất hợp lý đang cản trở việc phát huy nguồn tài nguyên lớn nhất nước này. “Bất cứ một công trình nào, một dự án nào cũng đều có yêu cầu về tiếp cận đất đai, mà tiếp cận đất đai thì đang là trở ngại, khó khăn hàng đầu. Chính vì vậy, tôi đề nghị đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Đất đai phải là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng luật của QH. Đây là luật nền tảng, một luật rất quan trọng, cho nên tôi đề nghị đẩy nhanh chứ không lùi lại trong chương trình xây dựng luật này” - ông Lộc nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm