Sáng 22-5, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng pháp luật đang có “khoảng trống”, “điểm sơ hở” để nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng. “Mục đích chưa chắc xâm phạm chủ quyền, an ninh nhưng cũng không loại trừ thế lực thù địch lợi dụng” - ĐB Nghĩa cảnh báo.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: quochoi.vn
“Vừa rồi, báo cáo trả lời cử tri của Bộ Quốc phòng chúng tôi rất quan tâm, vì tình hình người nước ngoài "núp bóng" mua đất ở những khu vực nhạy cảm. Báo cáo của Bộ Quốc phòng được người dân hoan nghênh. Vì sao? Vì người dân biết là có chuyện đó” - ĐB Nghĩa nói tiếp.
Cũng theo ĐB Nghĩa, vấn đề này đã được chất vấn bộ trưởng Bộ TN&MT và bộ trưởng trả lời trước Quốc hội là chưa thấy gì.
Ông Nghĩa cũng cho hay, khi nghiên cứu dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này, cho thấy dự luật chưa đáp ứng được tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, cũng như Nghị quyết 58 của Chính phủ.
Cụ thể, Nghị quyết 50 đề cập tới vấn đề kiểm soát đầu tư nước ngoài liên quan an ninh quốc phòng. Còn Nghị quyết 58 của Chính phủ giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu bổ sung quy định về quốc phòng- an ninh trong xem xét và cấp giấy chứng nhận với dự án đầu tư mới, hoạt động góp vốn mua cổ phần.
”Chúng ta cần có bộ luật triển khai Nghị quyết 50, 58 của Chính phủ, coi đó như bộ lọc đối với việc bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia” - ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa phân tích thêm, Luật Đầu tư giao cho Quốc hội “quyết” các dự án ảnh hưởng lớn môi trường nhưng dự án lớn ảnh hưởng an ninh quốc phòng không thấy hỏi ý kiến Quốc hội.
Cạnh đó, việc sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng biên giới từ 50 ha phải hỏi ý kiến Quốc hội nhưng ở mức dưới đó thì không thấy hỏi ai, do các tỉnh, thành phố quyết định.
“Ở vùng nhạy cảm, chỉ cần 5-10 ha đã là vấn đề. Như báo cáo Bộ Quốc phòng vừa rồi chỉ ra một loạt đất được mua ở khu vực sân bay…” - ông Nghĩa nói.
ĐB TP.HCM cũng chia sẻ ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều người nói họ không đầu tư trực tiếp mà đầu tư gián tiếp để tránh các vấn đề phức tạp, nhất là đất đai. Họ để các công ty Việt Nam xin trước sau đó mua vốn của họ.
“Họ mua vốn kiểm soát thì có thể trở thành chủ và chi phối dự án” - ông Nghĩa cảnh báo.
Trước đó, đăng đàn trả lời chất vấn năm 2018, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định trên thực tế, nước ngoài không có quyền mua đất mà chỉ có thể mua các căn hộ chung cư ở các đô thị.
"Chính phủ chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, qua đó chưa phát hiện người nước ngoài mua đất, họ chỉ mua các căn hộ chung cư ở các đô thị" - ông Hà khẳng định và nói thêm - "Đại biểu thấy ở đâu người nước ngoài mua đất thì báo cho bộ, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, điều tra xem bằng cách nào họ mua được, vì như vậy là trái pháp luật Việt Nam".
Trong khi đó, báo cáo trả lời kiến nghị cử tri của Bộ Quốc phòng vừa qua cho thấy từ năm 2011-2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP Đà Nẵng có 134 lô, một thửa đất liên quan đến cá nhân, DN người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP Đà Nẵng.
Các lô đất này nằm tại các vị trí dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp (thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn); khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang (quận Sơn Trà).
Phải đặt yếu tố an ninh quốc phòng lên hàng đầu Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa - Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, nêu quan điểm: Việt Nam đang mở cửa đón nhận đầu tư từ các nước trên thế giới nhưng với những khu vực trọng yếu, liên quan đến phòng thủ đất nước thì phải đặt yếu tố an ninh quốc phòng lên trên hết. Theo ông, lâu nay Bộ Quốc phòng đã bàn giao hàng ngàn hecta đất (trừ những vị trí liên quan đến thế trận phòng thủ) cho các địa phương với mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Tại Đà Nẵng, quân đội cũng đã nhường rất nhiều đất để thành phố xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự. "Nhưng theo tôi, với các khu vực đặc biệt quan trọng như xung quanh sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng), nơi quy hoạch khu vực phòng thủ quân sự, vùng biên giới biển thì nhà nước phải quản lý chặt chẽ" - ông Nghĩa nói. Từ cách tiếp cận trên, ông Nghĩa cho rằng "rất cần một cuộc tổng rà soát của Bộ Quốc phòng và cơ quan chức năng liên quan về hoạt động của các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới, bao gồm việc đầu tư mua bán đất". Trước việc TP Đà Nẵng khẳng định thực hiện đúng Luật Đất đai, không giao đất, cho thuê đất và cho phép nhận quyền sử dụng đất đối với các cá nhân là người nước ngoài, Thiếu tướng Nghĩa phân tích "Chúng ta cấm người nước ngoài mua đất tại Việt Nam, chỉ được mua nhà nhưng nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần doanh nghiệp trong nước không thể hiện bằng đất mà thể hiện bằng giá trị vốn, nên họ chỉ tuân thủ các quy định về mua bán phần vốn doanh nghiệp". "Tôi có nghe một số người Trung Quốc thành lập công ty, góp cổ phần hoặc nhờ người Việt đứng tên để đầu tư đất ở các vị trí trọng yếu ven biển" - ông Nghĩa nói. |