Nạn nhân trả tiền cho... bị cáo

Mới đây, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên y án sơ thẩm phạt tù bị cáo Bùi Thị Kim Loan về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vấn đề gây lấn cấn là những người bị hại chỉ phải trả lại cho bị cáo số tiền lãi rất cao do đã cho vay nặng lãi thay vì có thể bị xử lý hình sự về hành vi này...

Vay nặng lãi nên không thể chi trả

Theo hồ sơ, Loan - thủ quỹ Quỹ Tín dụng Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc) đã vay tiền của nhiều người với lãi suất cao từ 9% đến 21%/tháng. Loan thường vay của người sau để trả cho người trước nhưng vẫn không đủ trả phần lãi chênh lệch cao ngất ngưởng. Bí thế, Loan đã lén lút rút hơn 80 triệu đồng của cơ quan để trang trải nợ nần.

Đến giữa năm 2008, thấy không còn khả năng chi trả, Loan bỏ trốn nhưng rồi lại đến cơ quan công an tự thú... TAND tỉnh đã y án sơ thẩm phạt Loan ba năm sáu tháng tù về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tòa cũng tuyên Loan phải trả lại hơn 1 tỉ đồng cho những người mà Loan đã vay tiền...

Nạn nhân trả tiền cho... bị cáo ảnh 1

Không cho vay chuyên nghiệp nên thoát

Việc truy tố Loan ra tòa là không có gì bàn cãi. Tuy nhiên, có một điều khá lạ là tòa đã tuyên hai người cho Loan vay tiền, được xác định là người bị hại trong vụ án, phải trả lại cho Loan hơn 300 triệu đồng, đồng thời phải nộp án phí gần 15 triệu đồng... do đã cho vay nặng lãi.

Vấn đề này xuất phát từ chuyện trong số 16 người bị hại, cơ quan điều tra đã xác định có hai người cho Loan vay với lãi suất 21%/tháng (tức 252%/năm), cao cắt cổ so với quy định của luật. Với mức lãi suất siêu tưởng này, Loan phải phá sản, mất khả năng chi trả là việc gần như... đương nhiên.

Các chuyên gia pháp lý cho biết những người bị xử lý hình sự về tội cho vay nặng lãi ở nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay do vướng phải những quy định về chứng minh người cho vay có tính chất chuyên bóc lột hay không... Trong tình hình nạn cho vay cắt cổ, cho vay “lúa non” đang có chiều hướng phát triển, nhất là các vùng nông thôn, điều luật trên cần được sửa đổi theo hướng chỉ cần cho vay nặng lãi là sẽ bị xử lý hình sự mà không cần những điều kiện gì khác. 

Tại phiên tòa, VKS nhận định việc cho vay với lãi suất đến 252%/năm được xem là đã có dấu hiệu cấu thành tội cho vay nặng lãi theo Điều 163 BLHS. Theo đó, người nào cho vay với mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên thì bị phạt tiền từ một lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm, phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Mức lãi suất cao nhất được căn cứ vào lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm cho vay.

Thế nhưng tòa lại không thể xử lý hình sự vì trong tội danh này phải chứng minh người cho vay có tính chất chuyên bóc lột hay không. Tính chất chuyên bóc lột được thể hiện là việc cho vay nặng lãi thường xuyên và lấy đó làm nguồn sống chính...

Một chuyên gia pháp lý cho biết với quy định như trên thì rất khó chứng minh hai người bị hại trong vụ án trên vi phạm pháp luật hình sự. Thứ nhất, tại tòa, một trong hai người cho vay nặng lãi chỉ thừa nhận cho vay 9%/tháng, còn Loan khai 21%/tháng. Trước tình hình này, tòa chỉ áp giá bình quân tự điều chỉnh mức vay là 15%/tháng và khấu trừ số tiền chênh lệch từ hơn 400 triệu đồng chỉ còn hơn 100 triệu đồng mà người cho vay phải trả (điều này có thể trái với nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo). Hơn nữa cũng rất khó chứng minh thế nào là người cho vay có tính chất chuyên bóc lột...

Rốt cuộc, bị cáo bị phạt tù vì đã lỡ vay nặng lãi mà không thể thanh toán. Còn những người cho vay nặng lãi thì chỉ bị buộc trả lại số tiền đã cho vay quá “hớp” mà không phải gánh thêm trách nhiệm gì.

PHƯƠNG NAM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm