Nghĩa trang nằm sát sông Đồng Nai: Báo cáo tác động môi trường có vấn đề

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, dự kiến nghĩa trang Vĩnh Hằng (tỉnh Đồng Nai) được xây dựng sát mép sông Đồng Nai. Điều này gây ra nhiều lo lắng nguồn nước sinh hoạt của hàng triệu người dân Đồng Nai, TP.HCM sẽ bị nhiễm bẩn.

Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 3546/2007 yêu cầu nước rỉ từ thi hài qua quá trình phân hủy phải được xử lý triệt để. Thế nhưng đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đã không căn cứ vào văn bản kỹ thuật này khi thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án. Ngoài ra, ĐTM còn khá nhiều vấn đề chưa được giải quyết ổn thỏa nhưng vẫn được thông qua.

Chưa được Thủ tướng phê chuẩn?

Theo TCVN 3546, các nghĩa trang đặc biệt (còn gọi là loại I) có quy mô đất trên 60 ha, có yêu cầu đặc biệt phải được Thủ tướng phê duyệt trước khi xây dựng. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm thấy một văn bản nào thể hiện dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng thực hiện đúng yêu cầu này.

Về diện tích từng mộ phần thì TCVN 3546, quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng (1/2008) và Nghị định 35/2008 chỉ cho phép tổng diện tích đất cho một mộ chôn cất một lần (kể cả huyệt mộ và địa tĩnh xung quanh) không quá 5 m2. Tuy nhiên, ở dự án nghĩa trang này, ĐTM “duyệt” cho xây 2.595 ngôi mộ có kích thước 5,36 m2 ở khu A và G1.

ĐTM cho biết nước rỉ phát sinh từ quá trình phân hủy xác có khả năng làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, gây độc cho người và động vật khi sử dụng. Tuy vậy, ĐTM cũng khẳng định các ngôi mộ được xây bể bê tông cốt thép đặt thi hài và lót vải địa kỹ thuật chống thấm ở phần đáy, lại chỉ chôn một lần nên ô nhiễm nước ngầm được hạn chế. Từ căn cứ này, ĐTM loại nước rỉ ra khỏi danh mục nguồn gây ô nhiễm cho nguồn nước và chỉ tập trung vào xử lý nước thải sinh hoạt, nước mưa chảy tràn. Điều này trái với yêu cầu phải có giải pháp xử lý triệt để nước rỉ của TCVN 3546.

Nghĩa trang nằm sát sông Đồng Nai: Báo cáo tác động môi trường có vấn đề ảnh 1

Một trong những yêu cầu bắt buộc là ĐTM phải căn cứ vào đầy đủ các văn bản pháp luật và văn bản kỹ thuật (gồm các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia). Thế nhưng ĐTM của dự án này lại “quên” dựa vào TCVN 3546, do vậy “lơ” đi khoảng cách bảo vệ an toàn cho nguồn nước. Từ đó mới có chuyện: TCVN 3546 yêu cầu nghĩa trang phải cách công trình khai thác nước sinh hoạt tập trung ít nhất 5.000 m, cách mép nước của những sông hồ lớn tối thiểu 500 m. Tuy nhiên, nghĩa trang Vĩnh Hằng lại cách mép sông Đồng Nai vỏn vẹn khoảng 100 m. Căn cứ được ĐTM đưa ra là Quyết định 2636/2008 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nghĩa trang, trong khi văn bản cao hơn là TCVN 3546 lại không được xét đến.

Cát đá, vải địa không ngăn được vi khuẩn

250 m là khoảng cách tối thiểu từ nghĩa trang (bất kể loại gì) đến mép nước sông, ao hồ mà WHO khuyến cáo nhằm tránh ô nhiễm, dịch bệnh từ việc phân hủy xác người gây ra.

ThSPHẠM SANH, giảng viên ĐH GTVT TP.HCM

ĐTM cũng khẳng định các ngôi mộ chôn một lần theo kiểu “trong quan, ngoài quách”, xây bể bê tông đặt thi hài và phần đáy lót vải địa kỹ thuật chống thấm nên ô nhiễm nước ngầm được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, ThS chuyên ngành xây dựng Phạm Sanh (giảng viên ĐH GTVT TP.HCM) khẳng định lớp vải địa kỹ thuật không có chức năng chống thấm và lại càng không có khả năng ngăn chặn vi sinh vật, khử trùng. “Hiện thế giới quy định khoảng cách an toàn từ nghĩa trang đến vùng sông, ao hồ chứ không phải cho xây dựng tùy nghi và dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn” - ông Sanh nhấn mạnh.

Theo ông Sanh, nhiều tài liệu của WHO đã phân tích xác người chứa nhiều vi khuẩn, mầm bệnh rất nguy hiểm, do vậy cần có khoảng cách an toàn tối thiểu từ nơi chôn đến mép sông, ao hồ. Nhiều nước cũng khuyến cáo không nên đặt nghĩa trang ở đầu nguồn, nhất là nơi lấy nước cấp sinh hoạt để hạn chế khả năng gây ô nhiễm môi trường, phát tán bệnh tật.

PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng Trường CĐ Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cũng cho rằng các biện pháp kỹ thuật hiện nay khó có thể xử lý triệt để ô nhiễm nước rỉ từ các mộ chôn. Về lâu dài, nước này sẽ thẩm thấu, gây ô nhiễm cho tầng nước ngầm và có thể phát tán ô nhiễm cho nước sông nếu nghĩa trang nằm quá gần sông.

Xem xét lại vị trí dự án

Tại cuộc họp báo định kỳ của UBND tỉnh Đồng Nai cuối tuần qua, ông Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai, cho biết sẽ đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét lại vị trí dự án có “phạm” tiêu chuẩn, quy chuẩn hay không. Kết quả kiểm tra sẽ được trả lời cụ thể.

Tương tự, ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cũng cử đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh ghi nhận những nội dung cần làm rõ về ĐTM của dự án khi được chúng tôi đặt vấn đề và có hứa sẽ trả lời bằng văn bản.

Quy hoạch không ổn, trách nhiệm thuộc người duyệt

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, nghĩa trang xây mới phải nằm ngoài đô thị, phù hợp với quy hoạch. Đặc biệt không ảnh hưởng đến môi trường, đến nguồn nước cấp cho sinh hoạt. Việc một nghĩa trang nằm quá gần nơi lấy nước cung cấp cho mục đích sinh hoạt là có vấn đề, cần phải xem xét lại. Nếu nghĩa trang “phạm” quy hoạch cấp nước thì người duyệt quy hoạch phải chịu trách nhiệm.

TS NGUYỄN TRUNG HÒA, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng

Dự án nghĩa trang này đã được UBND tỉnh Đồng Nai duyệt quy hoạch và phê duyệt ĐTM. Ngoài ra, Dona Coop cũng thực hiện những vấn đề kỹ thuật, chôn cất theo công nghệ mới nên chắc chắn không gây ô nhiễm môi trường. Cho nên anh cứ liên hệ các cơ quan chức năng chứ tôi không giải thích thêm, nếu có thì Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai triệu tập một cuộc họp riêng về vấn đề này. Bản thân chúng tôi khi làm đã có bao nhiêu cuộc họp từ các đơn vị chuyên ngành môi trường góp ý chứ có phải tay ngang đâu.

Ông BÙI THANH TRÚC, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Dona Coop, trả lời qua điện thoại ngày 25-7

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm