Ngoài cửa là hố rác của nhà mình

Ngoài chuyện văn hóa giao thông đáng báo động thì những thói xấu của người đô thị cũng thể hiện khá rõ trong cách ứng xử đối với môi trường tự nhiên. “Người dân TP còn rất thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Rác sinh hoạt, chuột chết, thức ăn thừa đều bị vứt ra đường rất vô tư! Xe cộ nhiều gây nên khói bụi mịt mù từ sáng đến khuya, tình trạng đào bới đường sá, cơi nới nhà cửa tùm lum đã biến cả TP thành một công trường khổng lồ” - TS Lê Thượng Mãn, đại biểu HĐND TP.HCM, nhận xét.

Ngoài cửa là hố rác của nhà mình ảnh 1

Đầy rác ngay chân thùng rác. Ảnh: THU HƯƠNG

Rác đổ bộ khắp nơi

Ngày 22-12, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo “Những chuyển biến ý thức pháp luật của cư dân TP.HCM trong quá trình xây dựng TP văn minh hiện đại”.

Để hội thảo có thêm thực tế sinh động, mời bạn đọc tham gia phản ánh chuyện mắt thấy tai nghe về những hành vi chưa văn minh của người đô thị.

Tin, bài cộng tác xin gửi về tòa soạn 470 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM hoặc email: baophapluat@phapluattp.vn.

Theo GS Phan An, nhiều người trong nhà thì giữ sạch, đẹp nhưng bên ngoài luôn là hố rác của nhà mình. “Vì họ vẫn còn giữ thói quen trước kia, “đất quê ta mênh mông” nên rác vứt đâu mà chẳng được”.

“Nhiều nhà có thùng rác ngay trước cửa nhưng đâu có xài. Người ta cứ tiện chỗ nào quăng chỗ đó, miễn xa cửa nhà mình” - chị Huỳnh Thị Trúc Mai (đường Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh) phản ánh. “Không hiểu họ nghĩ gì chứ đã mất công đến gần thùng rác thì làm một động tác bỏ rác vô có gì là khó đâu” - một chị công nhân vệ sinh phàn nàn khi phải gom đống rác toàn lông, ruột gà và rau muống ngay tại... chân thùng rác.

Trong tham luận của mình, bà Mai Thị Quế (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cũng cho biết nhóm thực hiện đề tài có dịp đi khảo sát thực tế tại các công viên như 23-9 và 30-4 sau các dịp lễ Noel và tết Dương lịch năm 2008. Điều dễ nhận thấy là xung quanh những thùng rác, rác tràn ngập khắp nơi từ bọc nylon, mẩu thuốc lá, giấy kẹo... nhưng trong thùng thì lại trống không!

Các trạm chờ xe buýt cũng là nơi lý tưởng cho những người ưa xả rác. Vỏ hộp xốp, ly nhựa dùng một lần, bã kẹo cao su và vỏ trái cây... được xả dưới đất hay treo toòng teng trên cột trạm. Thậm chí có người còn “cẩn thận” cuộn rác lại cho nhỏ rồi nhét kẹt trong những băng ghế cho... kín đáo.

Rác không chỉ được thải trên bộ mà còn “bơi” xuống các kênh rạch. Dạo qua một số dòng kênh như kênh Tàu Hủ, rạch Ụ Cây (quận 8), kênh Nước Đen (quận Bình Tân), kênh Tân Hóa (quận Tân Phú), kênh Dài (quận 2)... mới thấy rác thải nhiều vô kể, đóng thành từng tảng lớn trôi lờ đờ. Đủ loại rác, nào bịch nylon, vỏ đồ hộp, ve chai, vỏ dừa, vỏ chuối cùng rất nhiều những... cục phân. “Có gì là lạ, mấy dãy nhà chìa ra kênh kia đều đi vệ sinh theo kiểu cầu tõm hết!” - một người dân sống ven kênh Tàu Hủ giải thích.

Hội chứng “úp mặt vào tường”

Cái thói xấu thường được giới mày râu (đôi khi cả các bà) thực hiện một cách rất ư là hồn nhiên này còn được biết tới dưới những cụm từ như “bệnh tiểu đường”, “ôm cột điện”, “câu cá trên cạn”, “tưới gốc cây”...

Cuối đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn bờ tường sát ngã tư Lê Thánh Tôn, Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng) chừng nửa giờ đồng hồ có tới bốn ông vội vàng đỗ xịch xe máy, nhanh chóng phóng lên vỉa hè, úp mặt vào những hốc tường. Mặc dù cách đó chỉ vài chục bước chân sang bên kia đường là đã có nhà vệ sinh công cộng. Đứng bán hoa lan ở đây đã ba năm, chị Huỳnh Thị Vang thuộc rất rõ “giờ thiêng”: “Cao điểm là khi tan tầm cho đến tối. Mấy ông đi nhậu uống bia thiệt nhiều rồi về đến đây là xả nước ào ào, chẳng cần biết xung quanh có ai. Mấy ông cứ làm như đó là cái toilet nhà mình vậy!”.

Chẳng cứ những địa điểm có bức tường, quanh Công viên Lê Văn Tám, nơi có mấy gốc cây cũng là chỗ các ông thích đứng... Muốn thoải mái nữa thì chịu khó phóng xe ra đoạn đường vắng người, “tương xuống kênh”, hoặc đứng giữa bát ngát đất trời ngửa mặt mà “giải quyết nỗi sầu”. Đôi khi các bà bán hàng rong quanh công viên bí quá cũng “mắt trước mắt sau” rồi làm liều ngồi xuống, nấp sau gốc cây “làm một phát”. Có hỏi thì các bà lý sự: “Mình quay lưng ra đường, ai biết đấy là đâu. Còn hơn vào nhà vệ sinh công cộng, mỗi lần mất 1.000 đồng. Ngày đi mấy bận, thử hỏi tiền đâu mà đi cho đủ!”.

Thậm chí “bệnh tiểu đường” còn được người lớn không ngại  ngùng “truyền dạy” cho trẻ em. Tại các công viên hay tụ điểm vui chơi, không hiếm hình ảnh các bậc cha mẹ vô tư vạch quần cho con đi tè vào bồn hoa hoặc gốc cây. “Con nít ấy mà, đi ngoài này cho thoải mái” - một bà mẹ thản nhiên nói trong khi cho con tè vào luống hoa mào gà ngay trong Thảo Cầm Viên.

Thói xấu trở thành bình thường? 

“Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không chỉ thuộc về ý thức chủ quan của người dân mà còn do thiếu sự giám sát chặt chẽ của chính quyền TP và sự đầu tư về cơ sở vật chất chưa đồng bộ với yêu cầu của một đô thị văn minh hiện đại” - bà Quế phân tích.

Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng là có những hành vi vi phạm nhưng không bị nhắc nhở hay xử phạt gì khiến dần dần chúng trở thành bình thường. Dẫn chứng, bà Quế nêu kết quả nghiên cứu của đề tài: Xây dựng ý thức và hành vi bảo vệ môi trường nơi công cộng của cư dân TP.HCM của tác giả Lưu Thế Thuật, điều tra trên 196 người dân về thái độ của họ trước những hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị như khạc nhổ, tiểu tiện, hút thuốc lá, xả rác bừa bãi nơi công cộng. Theo đó, có đến 25% người tham gia khảo sát tỏ thái độ bình thường khi chứng kiến những hành vi hút thuốc, xả rác nơi công cộng. Ngay cả đối với hành vi rất xấu là tiểu tiện nơi công cộng thì cũng chỉ có 77% số người được hỏi có thái độ rất khó chịu mà thôi!

Ngoài cửa là hố rác của nhà mình ảnh 2

Chuột bị cán dẹp lép như bánh tráng. Ảnh: THU HƯƠNG

Đặc sản “bánh tráng... chuột”

Xác chuột xuất hiện trên đường hằng ngày, người đơn giản thì đoán chuột bị “tai nạn giao thông”. Nhưng anh Vũ Ngọc Lương, chạy xe ôm trước chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh), cho biết: “Tôi hay chạy xe ôm sớm nên thấy nhiều người sáng tinh mơ, mắt trước mắt sau không có ai là thảy con chuột chết ra đường đánh bịch một cái rồi biến mất tăm vào nhà”.

Thường thì buổi sáng, những cái xác chuột còn nguyên vẹn. Nhưng đến giờ người ta đi làm đông, vài trăm lượt xe cán qua cán lại, cán cho tới chiều thì cái xác chuột dẹp lép như... bánh tráng. Thế nhưng vẫn có người lý sự: “Chuột chết cũng là rác, rác không vất đi thì để trong nhà làm gì. Nhà quê thì còn có đất mà chôn chứ ở TP chôn vào đâu. Mà đường là đường của chung, có phải đường của riêng ai” - bà Võ Thị Tám (đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1) kể lại câu chuyện người vứt chuột chết ra đường phản ứng khi bị bà nhắc nhở.

THU HƯƠNG

THÙY LINH - THU HƯƠNG tổng hợp

Bài 5: Im lặng trước hành vi lệch chuẩn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm