Ngư dân “bẫy” tàu nước ngoài

Ông Trần Văn Phong, Phó Giám đốc cảng Chân Mây, cho biết cứ đến mùa này hoạt động đánh bắt tôm, cá lại trở nên tấp nập khiến nhiều tàu nước ngoài bị quấn lưới hỏng chân vịt không di chuyển được.

Đuổi mãi không đi

Năm 2010, một tàu chở khách, hai tàu chở hàng trúng lưới của ngư dân trôi dạt đến bờ Cảnh Dương (cách đó khoảng 10 km) và hàng chục tàu khác phải nằm lại ở cảng. Đặc biệt, ngày 30-10 và 4-11-2011, tàu Legend of the Seas cập cảng Chân Mây đã bị vướng vào lưới của ngư dân khiến chương trình tham quan của du khách bị chậm trễ. Thuyền trưởng tàu Legend of the Seas đã nổi nóng tuyên bố: “Nếu tình trạng đặt lưới trong luồng tàu chạy vẫn còn xảy ra thì tàu có thể đổi lịch trình, không đến cảng Chân Mây nữa do không đảm bảo an toàn...”.

Được biết cảng Chân Mây có nhiều tôm hùm, là loại tôm giống quý, có giá thành rất cao. Nếu vào vụ chính (đông-xuân), mỗi ngày ít nhất ngư dân cũng kiếm được 300.000 đồng, nhiều nhất có khi lên đến 5 triệu đồng. Cũng vì lợi nhuận cao như vậy nên mặc dù đã được chính quyền xã vận động nhưng không ai chịu đi nơi khác. Trái lại, họ còn dựng lán trại bao quanh cửa cảng để làm ăn. Hằng ngày, ngư dân cho thuyền thúng giăng lưới khắp mọi ngõ ngách, tiến sát vào các tàu neo đậu ở cảng làm nhiều tàu khi khởi hành phải thuê người lặn xuống để gỡ lưới.

Ngư dân “bẫy” tàu nước ngoài ảnh 1

Nhiều ngư dân thả lưới ở vùng cửa biển Chân Mây gây khó cho tàu du lịch qua lại. Ảnh: V.LONG

Trước tình hình này, ban quản lý cảng đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn nhưng không có kết quả. Khi bị bảo vệ nhắc nhở, ngư dân còn kéo đến cảng đập phá. Hiện nay thuyền ra vào cảng phải mất hàng tiếng đồng hồ vì ban quản lý cảng phải cho người đi dò đường, yêu cầu ngư dân thu lưới.

Vẫn vận động là chính

Ông Hoàng Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc), cho biết trước đây có 145 hộ dân tham gia khai thác hải sản ở khu vực luồng tàu nhưng hiện chỉ còn 20 hộ. Mặc dù chính quyền xã đã tuyên truyền nhưng số hộ này vẫn cố tình vi phạm nên cảng đã đề nghị tỉnh có biện pháp mạnh hơn. Nhiều khi lực lượng chức năng ra thu lưới, ngư dân còn dùng gậy, cọc chống trả quyết liệt khiến nhiều công an, bảo vệ bị thương... Trong khi đó, xã Lộc Vĩnh lại không được trang bị tàu để quản lý và tháo gỡ ngư cụ của các hộ dân vi phạm nên rất khó ngăn chặn triệt để.

Theo ông Hoàng Văn Phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần là do ngư dân ham lợi nhuận cao, một phần là do chính quyền chưa tìm được công việc nào phù hợp để người dân chuyển đổi. Anh Nguyễn Văn Nguyên, một ngư dân khai thác trong vùng cấm, phân bua: “Vì bọn tui chẳng có nơi nào làm ăn. Giờ chính quyền bảo cấm thì phải giúp chúng tôi có công ăn việc làm ổn định, chứ đuổi đi thì biết lấy gì mà nuôi vợ, nuôi con...”.

Ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: “Hiện chúng tôi đang tiếp tục vận động bà con không thả lưới ở luồng tàu chạy, đồng thời phân công Sở Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh kiểm tra giám sát, cắm mốc phân định ranh giới để tàu thuyền ra vào an toàn...”.

Sẽ ngăn chặn triệt để

Vấn đề vi phạm luồng tàu cảng Chân Mây đã xảy ra từ lâu, cần có biện pháp mạnh để ngăn chặn triệt để trong năm nay. Không thể chỉ vì quyền lợi của một số người mà ảnh hưởng đến tổng thể chất lượng của ngành du lịch biển. Bởi năm 2012, lễ khai mạc năm du lịch quốc gia sẽ diễn ra tại Thừa Thiên-Huế, nếu để xảy ra tình trạng này thì sẽ rất nguy hiểm cho ngành du lịch biển.

Ông PHAN TIẾN DŨNG, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao
và Du lịch Thừa Thiên-Huế

NGUYỄN VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm