Người dân bỏ phiếu về việc thành lập TP Thủ Đức

Sáng 3-10, người dân ở quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2 đã bỏ phiếu lấy ý kiến về việc sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính cấp huyện mới; đơn vị hành chính mới lấy tên là TP Thủ Đức.

Theo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã do Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất, ba quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ sáp nhập, hình thành đơn vị hành chính TP trực thuộc TP.HCM (tạm gọi thành phố Thủ Đức).

TP Thủ Đức sau khi được sáp nhập có quy mô dân số hơn một triệu người, diện tích gần 212 km2, kỳ vọng trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển TP. HCM và Đông Nam bộ.

Người dân sẽ bày tỏ chính kiến của mình trên phiếu ý kiến, có đồng ý hay không đồng ý với việc sáp nhập ba quận thành một, với tên gọi mới là TP Thủ Đức hay không.

Danh sách lấy ý kiến đã được các khu phố niêm yết từ nhiều ngày trước đó. ẢNH: THANH TUYỀN.

Từ 7 giờ sáng, đông đảo người dân đã đến để làm lễ khai mạc và bỏ phiếu tại trụ sở các khu phố thuộc địa bàn quận Thủ Đức. Công tác thực hiện việc bỏ phiếu, kiểm tra số hộ gia đình đã tham gia bỏ phiếu được kiểm soát chặt chẽ.

Cán bộ khu phố hướng dẫn người dân về thủ tục bỏ phiếu. ẢNH: THANH TUYỀN.

Ở tất cả các nơi, thùng phiếu đều được dán niêm phong. Lực lượng công an, tổ dân phố một mặt túc trực tại trụ sở các khu phố, mặt khác chia nhau đến tận nhà nhắc nhở người dân sắp xếp thời gian đến bỏ phiếu đúng theo thời gian quy định.

Đến khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, tại khu phố 1 (phường Linh Tây, quận Thủ Đức) đã có gần 50% số hộ dân đến bỏ phiếu.

Người dân đến bỏ phiếu lấy ý kiến tại trụ sở KP1, phường Linh Tây, quận Thủ Đức. ẢNH: THANH TUYỀN.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết bản thân ông thật sự thấy phấn khởi khi lãnh đạo TP đã đưa ra chủ trương về việc thành lập TP mới này.  

Cá nhân ông Hiếu đồng ý với việc sáp nhập ba quận và lấy tên là TP Thủ Đức. Theo ông, người dân sẽ nhận được rất nhiều lợi ích, đời sống dân trí và chất lượng cuộc sống sẽ được nâng cao; đó là một tín hiệu đáng mừng cho người dân của cả ba quận.

Tại khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, vì số lượng người dân đông nên khu phố đã chuẩn bị hai thùng phiếu ngay tại trụ sở. ẢNH: THANH TUYỀN.

Nhiều người dân đến bỏ phiếu cũng chia sẻ rằng, cái tên của TP mới như thế nào không quan trọng. Điều họ quan tâm là tương lai của TP đó sẽ phát triển như thế nào, mang lại lợi ích gì cho người dân và cả sự phát triển chung của TP.HCM.

Các cán bộ khu phố, tổ dân phố túc trực bên bàn làm việc từ 6 giờ sáng để đảm bảo công tác lấy ý kiến được chặt chẽ, không bỏ sót. ẢNH: THANH TUYỀN. 

Bà Lê Thị Kim (Khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) chia sẻ, bà hoàn toàn ủng hộ việc sáp nhập ba quận.

“Có rất nhiều ý kiến xoay quanh việc đặt tên mới cho TP này, nhưng bản thân tôi thì thấy cái tên chỉ là một phần thôi, cốt lõi là sau khi đã thành lập rồi thì chúng ta làm được gì với TP mới đó. TP sẽ phát triển đến đâu, có mang lại lợi ích thật sự cho người dân hay không, có thật sự là một TP đáng để người dân và chính quyền cùng kỳ vọng hay không thì mới là cốt lõi”, bà Kim chia sẻ.

Bà Kim nói thêm rằng, cái tên TP Thủ Đức cũng phản ánh được một phần lịch sử của huyện Thủ Đức ngày xưa, cho thấy bề dày lịch sử của nơi này. Khi nhắc tới thì người dân sẽ hình dung ngay được vì đã quen thuộc từ nhiều năm qua nên sẽ gần gũi hơn.

Tại quận 9, việc lấy ý kiến được thực hiện theo hình thức cán bộ đến tận nhà của từng hộ dân để lấy phiếu ý kiến. 

Cán bộ khu phố đến nhà dân để lấy phiếu ý kiến tại quận 9. ẢNH: THANH TUYỀN.

Ông Hồ Minh Chiến, Trưởng phòng Nội vụ quận 9 chia sẻ, quận sắp xếp tại các phường, khu vực đều có một tổ cán bộ đến tận nhà của người dân để lấy ý kiến để tiết kiệm thời gian đi lại của người dân. Công tác lấy ý kiến được quận kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có báo cáo thực tế vào mỗi khung giờ nhất định. 

Sau khi đến nhà dân để lấy phiếu ý kiến, cán bộ phường và khu phố tiếp tục rà soát danh sách để không bỏ sót. ẢNH: THANH TUYỀN.

 

Sáng cùng ngày, người dân ở 19 phường ở TP.HCM thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận cũng được lấy ý kiến về việc sáp nhập các phường và có tên phường mới. Cụ thể:

- Quận 2: nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm thành phường Thủ Thiêm; nhập phường Bình Khánh và phường Bình An thành phường An Khánh.

-  Quận 3: nhập phường 6, 7, 8 thành phường Võ Thị Sáu.

Quận 4: nhập phường 2 và phường 5 thành phường 2; nhập phường 12 và 13 thành phường 13.

- Quận 5: nhập phường 12 và phường 15 thành phường 12.

- Quận 10: nhập phường 2 và phường 3 thành phường 2.

- Quận Phú Nhuận: nhập phường 11 và phường 12 thành phường 11; nhập phường 13 và phường 14 thành phường 13.

Với phương án tổng thể này, dự kiến sau khi sáp nhập, TP.HCM giảm từ 24 quận huyện xuống còn 22 (16 quận, một thành phố và 5 huyện); giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312 (249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm