Nhặt “sạn” xử án dân sự

Tổng kết công tác ngành tòa án mới đây, Tòa dân sự TAND Tối cao đã chỉ mặt đặt tên hàng loạt sai sót cụ thể cần phải tránh khi giải quyết án dân sự: Không đảm bảo quyền tự quyết của đương sự, chứng cứ không đầy đủ, triệu tập sót người tham gia tố tụng...

Tháng 4-2009, Tòa dân sự TAND Tối cao đã xử giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm trong vụ tranh chấp về đất đai giữa bà Lê Thị Tuyết Nương với bà Nguyễn Kim Thông.

Chứng cứ chưa đủ đã vội xử

Theo hồ sơ, bà Nương sau khi mua đất đã bán lại cho bà Thông 500 m2 nhưng không ghi rõ tứ cận. Bà Thông nhận đất, trả tiền rồi rào lại. Trên thực tế, bà Thông sử dụng tới hơn 600 m2. Phần đất còn lại của bà Nương cũng thừa một khoảnh so với khi mua đầu tiên.

Ba năm sau, bà Nương khởi kiện đòi lại đất đã bán, cho rằng bà Thông đã lấn đất của mình. Tòa cấp sơ thẩm giữ nguyên hiện trạng cho hai bên đương sự. Tòa phúc thẩm lại buộc bị đơn trả lại hơn 100 m2 đất thừa. Theo Tòa Dân sự, phán quyết của cả hai cấp đều chưa đủ căn cứ vì chưa làm rõ nguồn gốc của số đất dư ra.

Nhặt “sạn” xử án dân sự ảnh 1

Một vụ khác cũng đã bị Tòa Dân sự xử, TAND Tối cao giám đốc thẩm hủy là vụ chị Lê Thị Cẩm Vân tranh chấp thừa kế về đất của cha mẹ để lại nhưng không thống nhất được diện tích với ông Ngô Tấn Lâm. Theo biên bản đo đạc thì đất có diện tích gần 5.000 m2, họa đồ của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện thì diện tích gần 5.400 m2 nhưng theo VKS thì nó lại gần 5.700 m2. Lẽ ra trong trường hợp này, thay vì yêu cầu cơ quan chức năng đo đạc, xác định chính xác diện tích đất thì tòa hai cấp sơ, phúc thẩm lại xác định diện tích tranh chấp theo như phía VKS đưa ra là không chính xác.

Đình chỉ tùy tiện

Một sai sót nữa mà các tòa cũng hay mắc phải là việc tòa phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm khi đương sự vắng mặt mà chưa có căn cứ xác định đương sự đã được triệu tập hợp lệ hay chưa.

Vụ tranh chấp về thừa kế tài sản giữa ông Nguyễn Văn Du và ông Nguyễn Văn Vệ là một điển hình sống động. Tòa phúc thẩm mời hai lần nhưng đương sự không nhận được vì một lần thì cán bộ xã không thấy đương sự ở nhà nên không giao giấy triệu tập, một lần thì cán bộ xã nhét đại vào yên xe máy của đương sự. Sau đó, tòa phúc thẩm không kiểm tra nhưng lại cho là đã triệu tập hợp lệ hai lần mà vẫn vắng mặt nên coi như từ bỏ việc kháng cáo và đình chỉ xét xử phúc thẩm. Sai sót này cũng đã được xét xử giám đốc thẩm để khắc phục.

Oái oăm hơn là vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa hai ông Trần Hoàng Sa và Ngô Văn Hùng. Tòa phúc thẩm xử vào cuối tháng 7 nhưng trong giấy báo lại đề là xử vào… cuối tháng 8. Dĩ nhiên là đương sự không đến để tham gia phiên phúc thẩm đó. Thế là tòa đình chỉ vụ kiện vì đương sự vắng mặt. Tháng 3-2009, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã phải xử giám đốc thẩm để sửa sai.

Không cho đương sự tự quyết

Chẳng hạn vụ ly hôn của vợ chồng anh Hồ Văn Phước mà Tòa Dân sự TAND Tối cao đã xử giám đốc thẩm vào giữa năm 2009. Trong quá trình chung sống, vợ chồng họ mượn của một người 150 triệu đồng. Tại phiên phúc thẩm, vợ chồng anh thỏa thuận mỗi người sẽ trả nợ 75 triệu đồng nhưng cấp phúc thẩm lại buộc người chồng trả 70 triệu đồng, người vợ trả số sòn lại. Theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, tòa phúc thẩm tuyên như vậy là không chính xác, cần phải rút kinh nghiệm.

Một thực tế khác là có tòa sơ thẩm trong quyết định công nhận sự thỏa thuận lại ghi không đầy đủ nội dung mà đương sự đưa ra như vụ đòi nợ giữa anh Vũ Ngọc Chính và chị Hoàng Thị Chung hồi giữa năm 2009. Đương sự khiếu nại sự không chính xác này nên VKS kháng nghị nhưng Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh vẫn giữ nguyên án sơ thẩm. Sau đó, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã phải hủy cả quyết định giám đốc thẩm lẫn bản án sơ thẩm để xử lại.

Xử lý nghiêm vi phạm

Việc xét xử các vụ tranh chấp đất đai còn bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm rất nhiều. Ngoài những nguyên nhân khác thì nguyên nhân chính vẫn là chưa có nhận thức thống nhất về giá trị của giấy chứng nhận chủ quyền đất. Ngoài ra, qua công tác giám đốc thẩm, tái thẩm đã phát hiện được một số bản án, quyết định của tòa đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm, gây hậu quả lớn, khó khắc phục. TAND Tối cao sẽ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và nghiêm khắc xử lý nghiêm các vi phạm.

Ông Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao

Chú trọng hòa giải

Khi giải quyết các việc dân sự, tòa án các cấp phải hòa giải, trừ những vụ không được hoặc không tiến hành hòa giải được. Tòa án phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Khi đương sự thỏa thuận được thì tòa án phải lập biên bản hòa giải thành. Sau thời gian cho phép, không ai thay đổi gì thì phải ra quyết định công nhận ghi đầy đủ toàn bộ nội dung thỏa thuận.

Tòa Dân sự TAND Tối cao

Thế nào là điều tra, xác minh không đầy đủ?

Trong thực tiễn xét xử, nhiều vụ tòa cấp trên xử phúc thẩm, giám đốc thẩm đã nhận định tòa cấp dưới “điều tra, xác minh không đầy đủ” trong khi các đương sự không hề có đơn yêu cầu thu thập chứng cứ, không chứng minh được là đã tìm mọi cách để thu thập chứng cứ nhưng không có kết quả. Chúng tôi cho rằng nhận xét như vậy không phù hợp với các quy định về nguyên tắc đương sự tự chứng minh. Nếu đương sự có đơn yêu cầu và nộp tài liệu chứng minh việc không thu thập được chứng cứ, tòa cấp dưới không ra quyết định thu thập chứng cứ hoặc ra quyết định nhưng không làm hết trách nhiệm thì tòa cấp trên mới có thể nhận xét như vậy.

TAND TP Hà Nội

Triệu tập thiếu người

Tháng 2-2009, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã hủy bản án phúc thẩm trong vụ tranh chấp đất giữa bà Nguyễn Thị Khoa và bà Nguyễn Thị Mứt vì triệu tập thiếu người tham gia tố tụng.

Theo Tòa Dân sự, đây là tranh chấp có tính chất hộ gia đình, các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức vào kinh tế gia đình nên họ phải là chủ thể của tranh chấp. Khi giải quyết, tòa phải đưa đầy đủ thành viên của hộ này tham gia tố tụng. Cấp sơ thẩm đã đưa đầy đủ thành viên tham gia vụ án nhưng cấp phúc thẩm lại bỏ lọt người là sai sót đáng tiếc, cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc.

KHẢI HÀ - ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm