Phí đường bộ xe máy: Thu được 50% là mừng!

Thu người sử dụng hay chủ xe?

Phí đường bộ xe máy: Thu được 50% là mừng! ảnh 1
Do lượng xe không chính chủ khá nhiều nên việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy sẽ không hề đơn giản. Ảnh: MP

Theo hướng dẫn của Bộ GTVT, các xã, phường sẽ triển khai cách thức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy đến từng thôn, tổ dân phố. Lực lượng này đến tận nhà người dân hướng dẫn kê khai và yêu cầu đóng phí. Nhưng theo thống kê, hiện có khoảng 40% xe máy là không chính chủ. Câu hỏi đặt ra: Ai phải nộp phí, chủ xe hay người đang sử dụng?

Vấn đề này chưa được Thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính làm rõ. Nhưng trao đổi với Pháp Luật TP.HCM tại hội nghị tập huấn thu phí mới đây, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Đây là một loại phí sử dụng dịch vụ nên chính người sử dụng phải trả tiền. Do vậy, những người mua xe máy không sang tên vẫn phải có nghĩa vụ kê khai, nộp phí.

Tuy nhiên, nhiều địa phương cho biết hiện TP có không ít người nhập cư, ở trọ và sử dụng xe máy nhưng không sang tên, chuyển quyền sở hữu. Do vậy việc đến từng hộ thống kê số xe máy người dân đang sử dụng rất dễ dẫn tới sót lọt.

“Nếu dựa vào số lượng xe máy trên địa bàn do cơ quan quản lý xe (CSGT) cung cấp thì chắc chắn không đầy đủ. Nhưng nếu chúng tôi đến từng hộ dân mà người dân không hợp tác, khai rằng xe mượn thì làm thế nào?” - lãnh đạo UBND một phường ở quận Thủ Đức băn khoăn.

Coi chừng lạm quyền

Nghị định 71/2012 bổ sung hành vi vi phạm đối với chủ xe không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông. Mức phạt đối với xe máy từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng (tương đương mức phạt không chuyển quyền sở hữu), với ô tô là từ 6 đến 10 triệu đồng.

Theo quy định, chủ xe máy sau khi đóng phí sử dụng đường bộ sẽ được cấp một giấy xác nhận. Song Luật Giao thông đường bộ chỉ yêu cầu người dân khi lưu thông mang theo cà vẹt xe, bằng lái, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự, sổ đăng kiểm và giấy phép vận chuyển (nếu loại xe đó cần phải có). Còn “chứng nhận đóng phí” thì luật không yêu cầu. Do vậy, nếu CSGT có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi này, họ cũng không thể yêu cầu người dân xuất trình “chứng nhận đóng phí” làm căn cứ xử phạt.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, lại nói: “Nếu người dân không đóng phí, cảnh sát khu vực sẽ xử phạt theo mức phạt đã được quy định tại Nghị định tại 71/2012”. Tuy nhiên, luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho hay chỉ có Chính phủ trở lên mới có quyền xác định thẩm quyền xử phạt. Cho nên nếu đã có quy định về hành vi vi phạm, mức phạt cụ thể mà chưa nêu thẩm quyền là thiếu sót lớn. Trong trường hợp này cũng không được suy diễn về thẩm quyền xử phạt.

“Cách thức thu phí qua đầu phương tiện bộc lộ nhiều bất cập, không công bằng dễ khiến người dân không đồng tình thực hiện. Ngoài ra, nếu các cơ quan chức năng quyết tâm xử phạt đối với hành vi này thì lực lượng CSGT có vẻ thích hợp nhất. Nhưng nếu vậy lại khó tránh khỏi tình trạng lạm quyền, tức CSGT sẽ yêu cầu người dân tự chứng minh đã nộp phí hay chưa. Khi đó dư luận sẽ phản ứng mạnh, tương tự việc xử phạt xe không chính chủ vừa qua” - luật sư Hà Hải phân tích.

Ô tô dễ bị “nắm”

Ngược với xe máy, việc buộc ô tô đóng phí sử dụng đường bộ thông qua các cơ quan đăng kiểm được đánh giá là khá dễ dàng. Mặt khác, mức thu đối với ô tô khá cao nên dù cả nước chỉ khoảng 1,5 triệu ô tô thì tiền phí thu được từ nhóm này cũng khá lớn. Vì vậy, nhiều địa phương cho rằng Bộ GTVT “khôn” khi chọn nhóm này, trong khi “đẩy” nhóm xe máy nhiều rối rắm cho các địa phương.

Theo quy định, ô tô sẽ đóng phí theo chu kỳ đăng kiểm là 1, 3, 6 và 12 tháng (dưới một năm) hoặc 18, 24 và 30 tháng (trên một năm). Sau khi đóng phí sẽ được cấp, dán tem nộp phí tương ứng. Thông qua tem nộp phí này, CSGT dễ dàng xác định xe đó đã đóng phí hay chưa.


MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm