Rối vì hồ sơ án gửi bưu điện bị mất

Hơn bảy năm trước, bà L. cho một người quen mượn trên 30.000 m2 đất tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) để canh tác. Theo bà, làm được một thời gian, người này đã lấy luôn đất của bà. Năm 2003, bà khởi kiện đòi lại tài sản.

Chờ mãi không thấy hồ sơ

Sau ba năm thụ lý vụ kiện, tháng 5-2006, TAND TP Phan Thiết bất ngờ ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Không đồng tình với quyết định này, bà L. kháng cáo. Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Thuận đã bác kháng cáo của bà. Thấy bị thiệt thòi, bà liền gửi đơn kiến nghị đến TAND Tối cao đề nghị giám đốc thẩm…

Nhận được đơn, TAND Tối cao đã rút toàn bộ hồ sơ vụ kiện lên để xem xét. Tháng 5-2009, chánh án TAND Tối cao ra quyết định kháng nghị vì việc đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng, không đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

Sau đó, TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy quyết định sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Phan Thiết giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Rối vì hồ sơ án gửi bưu điện bị mất ảnh 1

Ngày 29-9-2009, TAND Tối cao gửi toàn bộ hồ sơ vụ án đến TAND TP Phan Thiết theo dạng bưu phẩm bảo đảm thông qua dịch vụ của Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel. Thế nhưng sau gần năm tháng ròng rã chờ đợi, bà L. chẳng thấy TAND TP Phan Thiết xét xử lại. Nóng lòng, bà lại lục đục đi khiếu nại. Lúc này bà mới bật ngửa ra rằng nơi đây chưa hề nhận được hồ sơ vụ án nên không thể đưa vụ án ra xét xử.

Nhân viên bưu điện làm ẩu

Không tin hồ sơ vụ án đòi số diện tích trị giá bạc tỉ của mình bỗng dưng biến mất, bà L. vội vã gửi đơn đến TAND Tối cao yêu cầu làm rõ. Tòa này cũng vội vàng tổ chức xác minh phiếu báo do Viettel gửi về văn phòng liên quan đến gói bưu phẩm nói trên. Qua kiểm tra, tòa phát hiện có chữ ký kèm tên người nhận là bà Q., nhân viên văn thư TAND TP Phan Thiết. Tuy nhiên, giám định chữ ký và chữ viết thì đó không phải là chữ do bà Q. viết ra.

Sau nhiều lần TAND Tối cao gửi công văn yêu cầu làm rõ, ngày 18-6, phía Viettel mới có văn bản trả lời. Theo Viettel, thời hiệu khiếu nại đối với dịch vụ chuyển phát trong nước và quốc tế tối đa là sáu tháng kể từ ngày gửi. Việc khiếu nại của TAND Tối cao đã quá sáu tháng nên hết thời hiệu, Viettel không giải quyết. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, phía Viettel vẫn điều tra xác minh để tìm ra nguyên nhân bưu phẩm có đi mà không thấy đến.

Kết quả xác minh của Viettel khiến mọi người đều bất ngờ: Một nhân viên ở khâu chấp nhận dịch vụ đã tự ý viết tên người nhận là Q. để trả báo phát đến TAND Tối cao. Viettel cho biết việc này sai quy trình nghiệp vụ. Viettel đang chỉ đạo những cán bộ nhân viên làm sai phải kiểm điểm để có hình thức kỷ luật thích đáng. Đơn vị này cũng cho biết để khắc phục hậu quả, họ sẽ cử cán bộ đến TAND Tối cao thương thảo thống nhất phương thức xử lý dứt điểm vụ việc và mong TAND Tối cao, TAND TP Phan Thiết... thông cảm!

Làm mất hồ sơ, phải bồi thường?

Được biết, ngày 17-11, TAND TP Phan Thiết đã mời bà L. đến làm việc, giải thích việc thất lạc hồ sơ không phải do lỗi của ngành tòa án mà lỗi của Viettel. TAND TP Phan Thiết cũng yêu cầu bà làm lại đơn khởi kiện bằng một vụ kiện dân sự mới, họ sẽ thụ lý, giải quyết.

Tuy nhiên, bà L. không đồng ý vì tất cả chứng cứ quan trọng đều nằm trong hồ sơ bị thất lạc, nay muốn thu thập các chứng cứ, tư liệu phục vụ cho việc khởi kiện mới sẽ khó khăn, mất thời gian, tiền bạc, công sức, thậm chí nhiều chứng cứ khó có thể tìm lại được. Bà L. đề nghị TAND Tối cao sớm đưa ra các giải pháp khắc phục việc thất lạc hồ sơ của bà.

Ngoài ra, bà cũng yêu cầu Viettel phải bồi thường toàn bộ chi phí phát sinh từ việc thất lạc hồ sơ. Nếu không thỏa thuận được, bà sẽ khởi kiện Viettel ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bởi chỉ vì hành vi tùy tiện của một nhân viên Viettel khiến vụ việc rắc rối, dẫn đến nhiều khả năng gia đình bà sẽ bị mất oan ức số tài sản lớn nêu trên.

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm