Sáng 28-3, Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII tiếp tục với chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới, 2021-2026 do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày.
Sau khi lược qua những thành tựu có ý nghĩa, bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và tình hình thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm.
Ông đặc biệt chú trọng cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao…
Trong phần trình bày của mình, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh đến “khát vọng” mà ông đề cập liên tục trong nhiều năm qua và văn kiện Đại hội XIII cũng đã nói tới. Theo Thủ tướng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng sức mạnh nội sinh quan trọng; phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói bà cụ già còn xin thoát nghèo thì các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp... cần phải khát vọng hơn nữa. Ảnh: VGP
Thủ tướng nói thẳng: “Khát vọng không phải chỉ ở Hà Nội đâu, mà còn phải ở các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân”. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng nói ông rất xúc động với câu chuyện mà báo chí nêu về trường hợp một cụ già đạp xe lên xã để xin được “thoát nghèo”. Bởi bà cụ cho biết mình đã lo đủ cho cuộc sống của mình thì để suất hỗ trợ người nghèo đó lại cho người khác.
“Bà cụ ấy khát vọng như thế sao chúng ta không khát vọng được? Cấp ủy, chính quyền phải nuôi dưỡng khát vọng này cho người dân, doanh nghiệp. Khát vọng này không phải chỉ của “mấy ông” ở Hà Nội đâu”, Thủ tướng nói vui.
Với các cán bộ, đảng viên, Thủ tướng nói: “Cán bộ đảng viên chúng ta đều có nguyện vọng đưa đất nước tiến bước. Đây là truyền thống quý, không chịu đói nghèo, không chịu tụt hậu, không chịu thua kém. Tất cả điều đó cũng là sự hiện thực hóa ước nguyện của Bác, đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu và mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”.
Theo Thủ tướng, Đại hội XIII đã đưa ra năm quan điểm phát triển. Ngoài vấn đề “khơi dậy khát vọng như trên, thì các quan điểm còn lại bao gồm: Phát triển nhanh và bền vững; dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phải đổi mới tư duy và hành cộng, chủ động nắm bắt cơ hội; phát triển hài hòa 3 trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ nguồn lực; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, các sản phẩm dịch vụ, mô hình mới; côi trọng quản lý phát triển xã hội; phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế...
Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII được trực tuyến đến hơn 1 triệu đảng viên trên toàn quốc. Ảnh: QH
Trích lời Nguyễn Ái Quốc hồi năm 1919, Thủ tướng nói: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Thủ tướng chia sẻ quan điểm “thành công hay thất bại của Chính phủ có vai trò của Đảng, Quốc hội”. Bởi lẽ công tác thực thi của Chính phủ đều dựa vào những định hướng của Đảng về phát triển, công tác thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng mà Quốc hội thực hiện. Thủ tướng cho rằng tới đây, cần tiếp tục tôn trọng thực thi Hiến pháp 2013, nhất là những vấn đề về quyền con người,
“Thể chế phải hướng về người dân”, Thủ tướng nói.
Quan điểm tiếp theo là xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn lới ngoại lực và sức mạnh thời đại;..
Cuối cùng là chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn…