Thứ trưởng Bộ TT&TT: 'Báo chí bị cuốn vào mạng xã hội'

Sáng 26-12, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

Còn đăng tải nhiều mặt trái xã hội

Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cả nước với 849 cơ quan báo in và 195 cơ quan báo chí điện tử đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng và Nhà nước, đã thông tin kịp thời, trung thực và toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, là diễn đàn tin cậy của dân.

Tuy nhiên, ông Bảo cũng cho rằng hoạt động báo chí còn có nhiều khuyết điểm, hạn chế. “Nhiều báo, tạp chí điện tử chủ yếu tập trung khai thác phát tán những vấn đề tiêu cực, thông tin một chiều, gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp và cá nhân” – ông Bảo nói.

Thông tin không đúng sự thật, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp với định hướng, tiết lộ bí mật Nhà nước. Đây là một khuyết điểm, hạn chế khác mà ông Bảo đề cập đến.
“Năm 2017, dạng sai phạm này đã giảm đáng kể, tuy nhiên vẫn còn xảy ra trên một số báo, gây ra những tác động xấu đến dư luận xã hội, làm tổn hại đến lợi ích đất nước, lợi ích chính đáng của tổ chức, là kẽ hở để báo chí nước ngoài, các trang tin điện tử của các thế lực chống đối lợi dụng để xuyên tạc” – ông Bảo nói.
Ông cũng cho là báo chí còn đăng tải nhiều mặt trái của xã hội. Tình trạng thông tin phản cảm, giật gân câu khách về những vụ việc liên quan đến người nổi tiếng hoặc miêu tả hành vi tội ác, vụ án với nhiều chi tiết tỉ mỉ, rùng rợn... vẫn tiếp diễn, chưa được khắc phục triệt để.
“Có tình trạng báo chí bị cuốn theo mạng xã hội để đăng những chuyện nhảm nhí, giật gân, thông tin chưa kiểm chứng. Thậm chí, một số báo điện tử khai thác thông tin từ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội để viết bài, trong khi môi trường truyền thông xã hội diễn biến phức tạp: tin giả, tin xấu độc phát tán nhanh, lan tỏa rộng” – ông Bảo nói.

"Đánh hội đồng" doanh nghiệp

Bên cạnh đó, ông Bảo cho biết một số phóng viên, biên tập viên của một số cơ quan báo chí lợi dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm đi ngược với quan điểm của báo, ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan báo chí.
“Tình trạng "đánh hội đồng", kết án vụ việc, hiện tượng mà không cần xem xét đến các quy định của pháp luật, các kết luận của cơ quan chức năng. Tình trạng "suy đoán có tội" phát triển trong báo chí gây thiệt hại rất lớn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, làm giảm lòng tin của quần chúng và chính quyền các cấp vào báo chí” – ông Bảo nói.
Ngoài ra, ông Bảo còn cho biết có tình trạng phóng viên liên kết thành những “liên minh báo chí”, tổ chức nhóm lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhằm vòi vĩnh doanh nghiệp, ép ký hợp đồng quảng cáo. Cá biệt có một số phóng viên, nhà báo đã vi phạm pháp luật trong quá trình tác nghiệp, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ phân tích đó, ông Bảo cho rằng trong năm 2018 các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo cần nhanh chóng khắc phục những khuyết điểm, hạn chế như trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm