Sáng 23-3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng nhiều lãnh đạo TP đã gặp gỡ với khoảng 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2019 với chủ đề “TP.HCM hội tụ nguồn lực, kiến tạo tương lai”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM trò chuyện với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn TP. Ảnh: TÁ LÂM
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài về tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, các nút thắt làm chậm dự án tuyến metro này vừa được tháo gỡ. "TP.HCM vừa làm việc với nhà đầu tư thống nhất về việc tiếp vốn, cả hai phấn đấu cuối năm 2020 hoàn thành cơ bản xây dựng kỹ thuật, để đầu năm 2021 có thể đi vào vận hành" - ông Nhân khẳng định.
Được khởi công vào cuối tháng 8-2012, tuyến metro số 1 đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Hiện, công trình đã hoàn thành được 63% khối lượng.
Tuy thời gian qua dự án gặp nhiều rắc rối nhưng như: Phó BQL đường sắt đô thị tự ý đi nước ngoài khi chưa được phép, thay trưởng BQL đường sắt đô thị, khủng hoảng nhân sự, dự án cũng liên tục rơi vào cảnh thiếu vốn... Nhưng các vấn đề này hiện cơ bản được giải quyết và TP đang quyết tâm để dự án về đích đúng tiến độ.
Bên cạnh tập trung tuyến metro số 1, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, trong năm 2019 sẽ ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế nhất là tính minh bạch.
Song song đó sẽ tập trung vào 9 nhóm giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Cụ thể, triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh thực hiện đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh gắn với Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP...
TP.HCM cũng đã xây dựng và ban hành đề án phát triển ngành Logistic trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thành đề án “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực”; xây dựng và ban hành chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030; xây dựng khu công nghiệp mới với quy mô hơn 300 ha hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao; đột phá về cải cách hành chính và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội…
Bên cạnh đó, TP phát triển nhà ở cho người lao động nhập cư vào TP.HCM, trong đó có cơ chế và cách thức để giải quyết hỗ trợ để cung cấp nhà ở.
Tại hội nghị, TP.HCM đã công bố 255 dự án mời gọi đầu tư, trong đó có 245 dự án xã hội hóa và TP cũng nêu ra những định hướng nghiên cứu, phát triển trọng tâm trong giai đoạn tới.
Từ đó, TP.HCM kêu gọi các doanh nghiệp FDI tham gia vào các dự án lớn của TP, đồng hành, góp sáng kiến và góp sức cùng TP trong việc xây dựng và triển khai các chương trình, đề án trọng tâm mà TP đang tập trung triển khai trong giai đoạn 2015 – 2020.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trao đổi với các doanh nghiệp FDI. Ảnh: TÁ LÂM
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM mong muốn nhận được ý kiến góp ý của doanh nghiệp FDI đối với sự phát triển của TP. Với những khó khăn của doanh nghiệp FDI đang gặp phải, TP sẽ cùng doanh nghiệp FDI bàn cách tháo gỡ.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong năm 2019, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế sáng tạo và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn.
Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được tiến hành chủ yếu bằng hình thức tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. Công khai hóa quy hoạch sử dụng đất để người dân và doanh nghiệp có thể xem được trên mạng internet. Bên cạnh đó, ưu tiên đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo sự phát triển và hiệu quả phục vụ của bộ máy hành chính...
TP cũng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước; đưa chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) vào nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) vào nhóm 16 địa phương dẫn đầu cả nước.
Thông tin tại buổi gặp cho hay, trong năm 2018, nền kinh tế TP.HCM tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật là tăng trưởng GRDP đạt 8,3%, tỷ trọng quy mô kinh tế TP so với quy mô kinh tế cả nước là 24,16%, cao nhất từ trước đến nay. TP.HCM cũng đã thu hút được hơn 7 tỉ USD, tăng 15% tổng vốn đầu tư so với năm 2017, nâng tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn còn hiệu lực trên địa bàn lên thành 44,94 tỉ USD với 8.112 dự án, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI của TP. |