Theo lời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, những ngày cuối cùng của năm 2018, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đều “online” 24/24. Tất cả đều chờ đợi thời khắc cuối cùng của năm cũ qua đi nhưng không phải theo cách thông thường.
Và khi những địa phương cuối cùng báo cáo đã vượt thu, khiến cho ngân sách quốc gia có thêm 100.000 tỷ đồng, thì kết quả tăng trưởng 2018 đã trở nên thuyết phục. Bởi đó là minh chứng sống động nhất cho những con số tăng trưởng cao mà ít nhiều có người còn băn khoăn.
“Năm 2018 chúng ta đã thắng lợi toàn diện. 12 chỉ tiêu Quốc hội giao đã hoàn thành, có tới 9 chỉ tiêu vượt mức được giao. Nhiều chỉ tiêu thậm chí còn cao hơn số liệu đã báo cáo với Quốc hội ở kỳ họp thứ 6 hồi cuối năm 2017” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.
Có “của ăn của để”
. Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, tăng trưởng GDP 2017 đã đạt 7,08%, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội giao. Đây phải chăng là tin vui nhất?
+ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Đúng là tỷ lệ tăng trưởng 7,08% mang lại niềm vui, là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong 11 năm qua. Và điều cần phải nhắc tới đó là tăng trưởng 2018 rất toàn diện cả về cung, cầu. Động lực cốt lõi của tăng trưởng năm nay vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ. Cùng với đó là nông nghiệp đã phục hồi, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, làm cho tăng trưởng trở nên bền vững hơn.
. Có lẽ điều đó cũng khiến ngân sách quốc gia nhiều… tiền hơn, thưa Phó Thủ tướng?
+ Chúng tôi cũng khá bất ngờ khi ngân sách vượt thu hơn 100.000 tỷ đồng ở cả trung ương và địa phương, cả thu nội địa và xuất nhập khẩu... Tức là chúng ta có “của ăn của để” đấy! Đây là minh chứng thuyết phục cho tỷ lệ tăng trưởng 7,08%. Ở khía cạnh này, ngoạn mục nhất phải kể đến TP.HCM khi hoàn thành dự toán thu ngân sách ở mức 100,47%, đạt hơn 378.000 tỷ đồng. Chúng ta nhớ rằng cả TP.HCM và Hà Nội năm qua đều được giao thu ngân sách khá cao, trên 20% so với năm 2017, nên việc hoàn thành và vượt dự toán thu của TP.HCM cũng như Hà Nội, Hải Phòng… là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn.
. Một số lĩnh vực khác chắc cũng rất ấn tượng. Phó Thủ tướng có thể điểm qua vài lĩnh vực nền tảng?
+ Chẳng hạn như FDI. Năm 2018, chúng ta thu hút FDI ở mức như năm 2017. Nhưng điều đặc biệt là giải ngân vốn FDI lại tăng hơn 9,1%, cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể là đã có 19,1 tỷ USD được giải ngân.
Hoặc ở lĩnh vực du lịch. Năm nay Việt Nam thu hút được khoảng 15,5 triệu khách du lịch quốc tế. Đó là một thành tựu rất đáng kể. Nên nhớ rằng Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về du lịch chỉ đặt ra mục tiêu 17 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2020. Năm 2019, chúng ta đặt ra chỉ tiêu và có thể sẽ đạt 18 triệu khách du lịch quốc tế. Như vậy, chúng ta có khả năng đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 08 đề ra trước một năm.
. Những“dấu chỉ” nào cho thấy sức khỏe của kinh tế-xã hội bền vững hơn, thưa Phó Thủ tướng?
+ Nhiều chỉ số cho thấy những cải cách mạnh mẽ đã bắt đầu phát huy hiệu quả như những chủ trương, định hướng mà Trung ương đã vạch ra. Đơn cử như tỷ trọng chi đầu tư của chúng ta trong tổng chi ngân sách đã đạt đến 27%, trong khi đó chi thường xuyên lần đầu tiên đã được kéo xuống dưới 62%, thấp hơn rất nhiều so với trước đây là 70% và mục tiêu phấn đấu là 64%. Thành quả này là nhờ những kết quả tích cực từ sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế khu vực hành chính và cả lĩnh vực sự nghiệp công.
Bên cạnh đó, những chỉ tiêu về bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia đều thấp hơn mức mà Trung ương và Quốc hội giao. Quan trọng nhất, tỷ lệ trả nợ nước ngoài trên tổng thu ngân sách nhà nước đã không vượt “giới hạn đỏ” như đầu nhiệm kỳ (ở mức 27,3%) , mà còn giảm xuống dưới 18% vào cuối năm 2018.
. Phó Thủ tướng nói rằng chúng ta đã có “của ăn của để”, vậy tức là trái phiếu chính phủ cũng có uy tín hơn?
+ Hiện nay trái phiếu chính phủ đã cơ cấu lại rất tốt. Chúng ta đã phát hành thành công khoảng 192.000 tỷ đồng với kỳ hạn 12,5 năm. Thời tôi làm bộ trưởng Bộ Tài chính thì kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ chỉ vào khoảng 2-3 năm thôi. Tôi còn nhớ cuối năm 2015, Chính phủ phải xin Quốc hội phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước nhưng đến nay hoàn toàn không phải sử dụng đến.
Đặc biệt hơn, lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ đã giảm từ 5,98% năm 2017 xuống còn 4,67% năm 2018. Lãi suất giảm thì đầu tư công càng hiệu quả.
Nhưng quan trọng hơn, năm 2019, Chính phủ xác định sẽ thúc đẩy, phát triển mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhằm huy động nguồn lực trong nước, kéo dư nợ nước ngoài của quốc gia xuống tỷ lệ thấp hơn. Tôi cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2019 sẽ rất phát triển.
“Phải hơn 2018 toàn diện”
. Thưa Phó Thủ tướng, với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như thế, phải chăng năm 2019 Chính phủ mới mạnh dạn đưa “bứt phá” vào phương châm hành động?
+ Trước hết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nền kinh tế đã quen hơn với các “va đập” từ bên ngoài rồi. Như tôi nói, thậm chí nền kinh tế còn tạo ra “vùng đệm” để có thêm dư địa chống chọi với những tác động không thuận từ bên ngoài.
Thật ra Chính phủ đã nhận diện được các rủi ro, thách thức và đề ra giải pháp củng cố nền tảng vĩ mô cho cả giai đoạn đến năm 2020. Đồng thời, Chính phủ cũng đang tích cực chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn 2021-2030 để trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Các biện pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy cổ phần hóa thực chất, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội cũng đã được tính đến. Đó chính là những nền tảng quan trọng để Chính phủ xác định 2019 phải là năm “bứt phá”.
. Vậy chúng ta sẽ chủ yếu tập trung bứt phá một vài điểm trọng tâm hay là bứt phá toàn diện, thưa Phó Thủ tướng?
+ Điều này Chính phủ đã nói khá rõ trong Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 năm 2019 mà Thủ tướng mới ký ban hành. Chúng ta hiểu rằng thành công của 2018, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng đã chỉ rõ, thì một mặt thừa hưởng thành quả của giai đoạn 2016-2017, nhưng suy rộng ra là thành quả có từ 30 năm đổi mới. Thành quả này cũng xuất phát từ việc kiên trì thực hiện các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng…
Và dĩ nhiên, thành công của 2018 cũng do Chính phủ đã phát huy được sức mạnh nội tại của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Tất cả những lý do này khiến tăng trưởng đạt ở mức cao và chất lượng tăng trưởng được cải thiện hơn. Chúng ta có sự đoàn kết, nhất trí cao, lắng nghe trên tinh thần của một chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Năm 2019 về cơ bản vẫn tiếp tục các định hướng ấy. Và nhất là phải hơn năm 2018 về mọi phương diện như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Vì vậy, mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị và cá nhân phải có tinh thần nỗ lực, bứt phá hơn để về đích thì mới có thể đạt được mục tiêu đó.
Động lực cốt lõi của tăng trưởng 2018 là công nghiệp chế tạo, chế biến và dịch vụ.
Năm nay Việt Nam thu hút được khoảng 15,5 triệu khách quốc tế.
Các điểm nhấn cho 2019
. Vậy về cơ bản, thưa Phó Thủ tướng, Chính phủ đã đề ra những nhiệm vụ nào để có thể thực hiện được chỉ đạo hết sức đúng đắn ấy?
+ Tại Nghị quyết 01/2019, Chính phủ đã đặt ra tám nhóm nhiệm vụ giải pháp, gồm 45 nhóm vấn đề, triển khai cụ thể thành 188 đề án. Tựu trung lại vẫn là chủ trương tăng trưởng đồng đều, toàn diện cả phía cung và phía cầu, cùng với phát huy vai trò của ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo, chế biến và dịch vụ, để phát triển mạnh các dịch vụ có giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, logistics, tài chính, ngân hàng, công nghiệp văn hóa… Đồng thời, cũng chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai các giải pháp tận dụng các mô hình của cách mạng 4.0.
Một trong những định hướng quan trọng, có sức lan tỏa chính là phát triển các đô thị và các vùng kinh tế động lực, trở thành các cực tăng trưởng có tính lan tỏa, trong đó có những đô thị như Hà Nội, TP.HCM. Năm qua, hai đô thị này đã hết sức cố gắng và đều đạt tăng trưởng cao hơn tăng trưởng trung bình của cả nước. Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2018 đã nhấn mạnh việc phát triển đô thị thông minh, đặc biệt phát triển khu Đông của TP. Tôi cho rằng đó là một trong những điểm nhấn đáng chú ý.
. Thưa Phó Thủ tướng, TP.HCM, như Phó Thủ tướng vừa nói, có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và lan tỏa. Vậy TP.HCM cần làm gì để phát huy tốt hơn vai trò ấy trong bối cảnh hiện nay?
+ Năm ngoái, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trước sự kỳ vọng của cả nước, của Đảng và Quốc hội, Chính phủ, tôi cho rằng: TP.HCM cần triển khai mạnh mẽ và nhanh hơn nữa những cơ chế mà Quốc hội đã nói rõ trong Nghị quyết 54. Bằng các chương trình, kế hoạch và đề án cụ thể, Thành phố cũng cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập để tận dụng và sử dụng hiệu quả nguồn lực như Nghị quyết 54 đã mở ra.
Nhân dân, Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như cá nhân tôi tin rằng: với truyền thống là đầu tàu, năng động, với sức mạnh vốn có của nhân dân và Đảng bộ, Thành phố chắc chắn sẽ khắc phục được những khó khăn trước mắt để tiếp tục phát huy vai trò của mình đối với cả nước. Nên nhớ rằng năm 2018 là một năm có nhiều khó khăn với TP.HCM về nhiều mặt. Thế nhưng TP.HCM vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Trung ương giao và Đảng bộ Thành phố đã đề ra.
Điều đó chứng tỏ rằng năm 2019, TP.HCM còn có thể hoàn thành tốt hơn các mục tiêu chung của cả nước và mục tiêu riêng của mình.
. Xin cám ơn Phó Thủ tướng.
Chất lượng tăng trưởng được cải thiện Chúng ta biết rằng động lực chính của tăng trưởng 2018 là công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng nhân tố làm tăng trưởng năm 2018 cao hơn 2017 chính là khai khoáng và nông nghiệp. Trước đây nông nghiệp vẫn là nhân tố dễ dàng đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng nhờ vào diện tích canh tác, mở rộng quy mô thường đạt mức tăng trưởng khoảng 3,5%-4%. Nhưng sau này nông nghiệp tăng trưởng có phần khó khăn hơn do đã đạt “ngưỡng” về quy mô. Mặt khác, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh xuất hiện nhiều nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro. Vì vậy, với tỷ lệ tăng trưởng 3,76% năm nay, nông nghiệp trở thành một trong những nhân tố chính khiến cho tăng trưởng vượt xa chỉ tiêu và kỳ vọng. Công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng khoảng 3,11% nhưng đã giảm đáng kể so với mức 7,1% của năm 2017 so với 2016. Với mức 7,08%, Việt Nam trong năm 2018 là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Chất lượng tăng trưởng kinh tế cũng được cải thiện rõ ràng hơn. Các số liệu đáng tin cậy cho thấy từ năng suất tổng hợp (TFP) đến các chỉ số khác như lạm phát… đều vượt chỉ tiêu. Cụ thể, TFP tăng 40,23% trong khi giai đoạn 2011-2015 chỉ là 33,58% và cao hơn giai đoạn 2016-2020. Năng suất lao động 2018 theo giá hiện hành ước đạt 102 triệu (4.512 USD)/lao động. So với 2017, năng suất lao động 2018 tăng 5,93%. Một chỉ số khác minh chứng cho chất lượng tăng trưởng là hiệu quả hỗ trợ tăng trưởng GDP từ tín dụng, ngân hàng ngày càng được cải thiện, thể hiện qua chỉ số phần trăm tăng trưởng tín dụng cần thiết cho 1% tăng trưởng GDP giảm dần, từ mốc 2,94% năm 2016, 2,68% năm 2017 xuống còn 2,1% năm 2018. Mặt khác, giải ngân vốn đầu tư công 2018 đang thấp nhưng GDP tăng trưởng cao cho thấy tăng trưởng đã bớt phụ thuộc vào vốn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ |