Có thể nói rằng cuối năm 2018, những tín hiệu vui từ tỉ lệ tăng trưởng GPD 7,08% (cao nhất trong 10 năm qua) và cuộc chiến chống tham nhũng vẫn đang được tiến hành làm cho niềm tin là dòng chảy chủ đạo.
Niềm tin không chỉ vào hiện thực tốt lành của nền kinh tế và công cuộc chống tham nhũng, mà còn là niềm tin vào những cải cách trong tương lai. Đó là một niềm tin dài hạn.
Niềm tin ấy được củng cố bởi cho đến nay, cải cách thể chế vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của Chính phủ. Mặc dù người dân và doanh nghiệp còn gặp phải nhiều gian nan khi đụng phải những vấn đề cụ thể nhưng rõ ràng sự sốt ruột của Chính phủ về cải cách thể chế là cơ sở cho niềm tin cải cách. Một khung pháp luật rõ ràng, minh bạch sẽ là động lực bao trùm để phát triển.
Thủ tướng trong phương châm hành động mới đã thêm hai từ “bứt phá”. Đó là điều rất cần thiết để tiếp tục tinh thần “Đảng tiên phong, chính quyền kiến tạo và toàn dân khởi nghiệp”. Tinh thần ấy chính là mô hình phát triển mà Việt Nam luôn vươn tới và hoàn thiện. Dĩ nhiên, không thể ngày một ngày hai mà giải quyết được những khó khăn do sự chồng chéo của pháp luật, nhất là pháp luật về kinh doanh, ngay cả việc nhận diện các điểm nghẽn đang kìm hãm nền kinh tế để giải quyết đã là một quá trình không đơn giản.
Hiện nay người dân, cộng đồng kinh doanh đang có niềm tin vào những thay đổi mạnh mẽ về nền tảng pháp lý nhằm kiến tạo văn hóa kinh doanh, văn hóa hành chính và văn hóa xã hội. Chính phủ điện tử là một định hướng mà Thủ tướng đã nhắc tới nhiều lần. Bởi đó là một công cụ tốt để thực hiện minh bạch, công khai nhằm hạn chế thấp nhất các tiêu cực vốn có của một nền hành chính giấy tờ.
Với chính phủ điện tử, sự minh bạch không chỉ đến từ khu vực công, mà nó sẽ là động lực để thúc đẩy sự minh bạch ở cả khu vực tư. Không ai có thể phủ nhận rằng sự minh bạch chính là nền tảng để tất cả trụ cột tăng trưởng được củng cố và kiện toàn. Đặc biệt sự minh bạch ấy sẽ khiến khu vực kinh tế tư nhân, động lực quan trọng của nền kinh tế, bứt phá tạo ra sự thịnh vượng quốc gia.
Sự minh bạch càng lớn thì sự thay đổi thể chế kinh doanh càng sâu sắc và căn cơ. Và chỉ có niềm tin lớn lao vào sự bứt phá trong cải cách thể chế mới tạo ra được một sự thay đổi sâu rộng trong cả tư duy và cách thức điều hành xã hội.
Khi ấy, chẳng những mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 có thể vượt mức, mà ngay cả việc huy động nguồn lực xã hội vào phát triển cũng nằm trong tầm tay.
Và trong thâm tâm, tôi vẫn tâm niệm rằng muốn Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì sự bứt phá trong cải cách thể chế phải thoát khỏi hai chữ “trung bình”.
Với những gì Chính phủ đã và đang hành động, niềm tin vào sự bứt phá của thể chế, vì thế, là có cơ sở.
TS VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam