Vừa qua, làm việc với TP.HCM, Thủ tướng đã ủng hộ chủ trương tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 23% cho địa phương. Và trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở hai huyện Hóc Môn và Củ Chi vận động ứng cử đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước cũng bày tỏ ủng hộ chủ trương này.
Căn cứ nào để người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ ủng hộ, cũng như khi đề xuất của TP.HCM được thực hiện, TP.HCM cần ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nào để phát huy hiệu quả của nguồn vốn này? Các chuyên gia có cái nhìn rất sâu về vấn đề này.
Kích hoạt các nguồn lực từ vốn mồi
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, TP vốn là đầu tàu kinh tế và là TP đông dân nhất cả nước nhưng trong nhiều năm qua TP gặp phải rất nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội không theo kịp tốc độ tăng dân số cũng như mở rộng quy mô kinh tế và tác động của biến đổi khí hậu.
Lãnh đạo TP đã nhiều lần kiến nghị với trung ương cần phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho TP, để lại ngân sách nhiều hơn cho TP nhằm đảm bảo cho việc đầu tư hạ tầng, kinh tế - xã hội.
Hạ tầng xã hội, giao thông… là các lĩnh vực mà TP.HCM ưu tiên đầu tư khi được tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách. Trong ảnh: Thi công lắp đặt toa tàu metro số 1 lên đường ray chuẩn bị cho quá trình chạy thử nghiệm sắp tới. Ảnh: HOÀNG GIANG
Lý do là TP sử dụng vốn hiệu quả bởi năng suất lao động của TP gấp 2,4 lần bình quân cả nước. “Trong 20 năm theo dõi số liệu nguồn thu - chi của TP, tôi nhận thấy cứ có 1 đồng chi ra sẽ tạo được nguồn thu là 5 đồng. Với 5 đồng từ nguồn thu thì trung ương lại có 4 đồng và TP có 1 đồng” - ông Ngân nói.
TS Ngân cho hay: Đầu tư cho TP.HCM, nguồn tiền không hề mất đi mà lại tạo ra nguồn thu nhiều hơn, tức là tạo ra “miếng bánh” lớn hơn và trung ương sẽ có nguồn thu tăng lên.
Thực tế trong nhiều năm qua ghi nhận cứ chi 1 đồng ngân sách thì thu hút được 10 đồng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân và nhà đầu tư từ nước ngoài. Điều đó cho thấy nguồn vốn mồi của ngân sách thực sự tạo động lực và kích hoạt nguồn vốn xã hội tham gia đầu tư phát triển.
Điểm đầu tiên đón nhà đầu tư nước ngoài khi đến TP.HCM chắc chắn là từ sân bay Tân Sơn Nhất, thế nhưng khi đến đây, họ chứng kiến cảnh nghẽn từ trên trời, xuống mặt đất, ra ngoài đường… thì làm sao mà thuyết phục họ rót vốn được.
Tám tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang) có dân số chỉ chiếm 22% tổng dân số cả nước nhưng làm ra 46% GDP cả nước và 48% tổng thu ngân sách của cả nước. Như vậy, đầu tư cho TP.HCM không phải chỉ để phát triển riêng cho TP.HCM mà nó có tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng phát triển và nguồn thu chuyển về trung ương sẽ tăng nhiều hơn.
Còn TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, thì phân tích: Việc nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách từ mức 18% tăng lên 23% sẽ đem lại nhiều tác động tích cực cho TP.HCM.
Trước hết, điều này sẽ giúp tăng nguồn lực ngân sách cho TP để đầu tư phát triển, nhất là những dự án cơ sở hạ tầng lớn vốn chưa được quan tâm đầu tư thích đáng trong khoảng 10 năm vừa qua. Thứ hai, đây là nguồn vốn mồi góp phần tạo ra nhiều sự lan tỏa hơn để qua đó có thể thúc đẩy việc thu hút nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cùng tham gia dưới hình thức là PPP (đối tác công tư). Việc này còn mang tính tác động tích cực sang các tỉnh, thành trong khu vực kinh tế phía Nam cùng phát triển thông qua kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ. Từ đó, nó sẽ đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội cho những khu vực lân cận và tạo động lực trở thành đầu tàu kinh tế ở khu vực phía Nam.
TP.HCM cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn về thể chế, vì lâu nay vẫn còn nhiều rào cản, tắc nghẽn về cơ chế, chính sách. Bản thân nguồn nhân lực quản lý hành chính công, quản lý đô thị của TP cũng phải được nâng tầm hơn vì quy mô, tính chất, mức độ phát triển của TP đã rất khác so với thời điểm cách đây khoảng 5-10 năm. TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Viện Đào tạo |
Đầu tư vào đâu cho hiệu quả?
Cũng theo TS Lực, việc tăng tỉ lệ ngân sách để lại, TP.HCM sẽ thực hiện tốt hơn chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó có mục tiêu mà TP hướng đến là xây dựng, phát triển trung tâm tài chính khu vực đặt tại TP.HCM.
Để sử dụng phần ngân sách giữ lại hiệu quả thì TP cần phải có kế hoạch, giải pháp phân bổ nguồn lực đó.
Cũng bàn về việc nên đầu tư vào đâu, TS Dương Như Hùng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chuyên gia nghiên cứu về hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ, cho rằng cần ưu tiên giải quyết “điểm nghẽn” về hạ tầng cho giao thông để kết nối tốt hơn với các khu vực xung quanh.
Về chuyện đầu tư cho TP Thủ Đức là câu chuyện dài hơi hơn vì cần hoàn thiện về các cơ chế, pháp luật…
Còn TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho rằng các thông tin mà ông theo dõi thì thấy rằng ngân sách được để lại tăng thêm chủ yếu đầu tư hạ tầng, khu công nghệ cao và đầu tư cho TP Thủ Đức vì có các dự án lớn về giao thông ở đây.
Ông Hùng cho rằng việc đầu tư nên tập trung vào các mũi nhọn là hạ tầng cho TP Thủ Đức và hạ tầng chung cho cả TP.HCM.
Tôi ví dụ như hiện nay dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng hay metro số 1 vẫn còn có những khó khăn về vốn, vậy khi TP.HCM có thêm tiền, TP có thể ứng trước để giải quyết cho các dự án trên, sau đó khi các dự án giải ngân sẽ hoàn trả lại chẳng hạn. Đó cũng là cách chúng ta sử dụng hiệu quả dòng tiền ngân sách được để lại cho TP.HCM.
Chi ngân sách cho TP.HCM nên theo tỉ lệ GDP So sánh với các TP khác ở khu vực châu Á thì một đô thị như TP.HCM cần chi tiêu ngân sách ở mức 15%-20% GDP. Ví dụ, các đô thị lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh có mức chi ngân sách chiếm khoảng 21% GDP. Hay như Hong Kong, Singapore sử dụng nguồn lực để phát triển khoảng 15% GDP, với các TP như Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) là hơn 10% GDP. Trong khi đó, 20 năm qua, mức chi ngân sách nhà nước cho TP.HCM chỉ chiếm khoảng 6%-8% GDP.
Ngay cả khi đề xuất nâng tỉ lệ ngân sách giữ lại cho TP từ 18% lên 23% được chấp thuận cũng vẫn còn thấp. Hay nói cách khác, nó vẫn chưa đủ mức ngân sách cần thiết để phát huy các lợi thế của TP.HCM, qua đó tạo thành vùng kinh tế trọng điểm đóng góp cho sự phát triển của cả nước và cạnh tranh với các đô thị khác trong khu vực. Chính vì vậy, theo tôi, mức chi ngân sách cho TP.HCM tối thiểu phải nâng lên trên 10% GDP. Có nghĩa là với mức thu ngân sách của Việt Nam đạt 1,5 triệu tỉ đồng thì chi ngân sách cho TP.HCM tối thiểu phải tăng lên 150.000-200.000 tỉ đồng, thay vì chỉ dừng ở mức trên dưới 100.000 tỉ đồng như hiện tại. Để hình dung ra được khả năng đáp ứng của nguồn vốn của TP là vô cùng nhỏ so với nhu cầu để TP có thể phát huy hết năng lực của mình, tôi đưa ra một ví dụ như sau: Bình quân một năm, mức đầu tư của TP cho giao thông chỉ có khoảng trên dưới 1 tỉ USD. Trong khi đó, vốn đầu tư cho tuyến metro số 1 dài gần 20 km đã tốn hơn 2 tỉ USD. Vậy giả sử TP dồn toàn bộ ngân sách dành cho phát triển giao thông để xây dựng 160 km (toàn tuyến metro), tương đương tối thiểu 16 tỉ USD thì phải mất 16 năm mới xong mục tiêu này. Do đó, đề xuất về tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách của TP.HCM được giữ lại từ 18% lên 23% thực ra chỉ là để làm nhẹ tình hình thiếu ngân sách của TP mà thôi, chứ không đủ động lực để giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Trong trường hợp của TP.HCM thì nên đầu tư, ưu tiên nguồn lực cho phát triển hạ tầng TP Thủ Đức để làm sao nơi đây trong 30 năm nữa giống như Singapore với môi trường sống tốt, năng lực cạnh tranh cao, từ đó tạo nên động lực tăng trưởng và phát triển tốt cho TP. Khi đó, TP Thủ Đức giống như một “chiếc áo mới với nhiều năng lượng mới để tạo ra ngân sách nhiều hơn TP cũng như trung ương. TS HUỲNH THẾ DU, giảng viên ĐH Fulbright |