Vụ án chuồng bò chắn lối đi

Năm 2006, 20 hộ dân ở ấp Bình Phong, xã Thái Bình (huyện Châu Thành, Tây Ninh) đã đồng đứng đơn khiếu nại về việc hộ ông Đỗ Văn Lợt đầu hẻm đã đổ đất làm chuồng bò, gây cản trở việc đi lại của các hộ bên trong. Theo các hộ dân, chuồng bò nhà ông Lợt hiện đã bít gần hết lối đi chung, chỉ chừa một phần nhỏ chừng 1 m đủ để một chiếc xe máy len qua, gây khó khăn cho việc đi lại của họ.

Con đường có trước, giấy đỏ có sau

Quá trình khiếu nại, các hộ dân mới biết được diện tích đất tranh chấp này đã được địa phương cấp giấy đỏ cho ông Lợt từ tháng 12-2001.

Theo Thông tư 1990/2001/TT-TCĐC của Tổng cục Địa chính (về thủ tục đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ban đầu) thì: Hội đồng đăng ký đất đai UBND cấp xã thành lập trong đó phải có cả trưởng ấp tham gia xét duyệt đơn xin đăng ký. Kết thúc việc xét đơn xin đăng ký giấy đỏ, UBND cấp xã công khai kết quả xét đơn tại trụ sở xã và các thôn, bản, ấp trong 15 ngày để người dân tham gia ý kiến.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở đây và cả trưởng ấp hiện nay đều khẳng định họ không hề hay biết, không được tham gia ý kiến khi cán bộ địa chính đo đạc để làm thủ tục cấp giấy đỏ cho ông Lợt. Trong khi đó, con đường đã được hình thành từ rất lâu, trước khi gia đình ông Lợt chuyển đến năm 1963 (lúc đó gia đình ông Lợt chỉ ở nhờ, đến năm 1976 chủ đất mới bán lại đất cho ông). Chủ đất cũ bán đất cho ông Lợt hiện đã chết nhưng hai người con của họ có giấy tay xác nhận con đường đi đã có từ trước năm 1954.

Trong một công văn của UBND huyện Châu Thành có nội dung đề cập: “Trên thực tế, con đường được sử dụng từ trước 1975 nhưng do tập quán và quan hệ thân tộc nên con đường không được bồi đắp, cắm mốc và ranh giới rõ ràng nên khi đo đạc, đoàn đo theo chỉ dẫn của ông Lợt và số liệu địa chính được thiết lập. Hiện nay, đất ông Lợt đã được cấp giấy đúng theo kết quả đo đạc chính quy năm 1999-2000, do đó UBND huyện không có cơ sở để xem xét”.

Do không hòa giải được ở xã nên huyện đã hướng dẫn các hộ dân kiện ra tòa.

 
Con hẻm bị chuồng bò án ngữ khiến người dân phía trong đi lại khó khăn. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Tòa tỉnh và tòa huyện xử chỏi nhau

Ngày 30-11-2006, TAND huyện Châu Thành xử sơ thẩm vụ việc. Ông Lợt cho rằng khi ông mua giấy tay từ chủ đất cũ, trên đất đã không có con đường. Nếu 20 hộ dân có yêu cầu mở đường thì ông bán 2 m ngang dài hết đất với giá 14 cây vàng.

Tòa nhận định yêu cầu của các nguyên đơn là có căn cứ. Bởi theo tòa, các con của chủ đất cũ đều xác định con đường đã có trước khi cha mẹ họ về ở. Chữ ký của ông Vạn, bà Cụt (chủ đất cũ), ông Phẩm (nhân chứng không biết chữ) trong hợp đồng giấy tay đều là của em ruột ông Lợt (ông Lợt cho rằng em trai ông chỉ viết giùm). Hơn nữa, công văn của UBND huyện cũng đã xác định con đường được sử dụng từ trước 1975. Do đó tòa xử buộc ông Lợt phải tháo dỡ chuồng bò, trả lại con đường 3,5 x 25,9 m cho 20 hộ dân. Đồng thời, tòa cũng kiến nghị UBND huyện Châu Thành điều chỉnh giấy đỏ của ông Lợt cho phù hợp với quyết định của tòa.

Tuy nhiên, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Tây Ninh lại có quan điểm ngược lại. Tòa này nhận định: Qua xác minh thực tế, những cán bộ địa phương và những người cao tuổi gần lối đi tranh chấp đều cho rằng lối đi này có từ lâu nhưng không biết đất này là của Nhà nước hay thuộc quyền sử dụng của riêng ai. Nay các nguyên đơn không chứng minh được đó là đất công. Căn cứ giấy tay chuyển nhượng đất của ông Lợt với chủ đất cũ, giấy đỏ được huyện Châu Thành cấp, tòa xử chấp nhận một phần kháng cáo của ông Lợt, buộc ông Lợt tháo dỡ chuồng bò để mở con đường 3,5 x 25,9 m nhưng 20 hộ dân phải có nghĩa vụ trả ông Lợt mỗi hộ 6,25 triệu đồng.

Muốn mở rộng đường thì phải trả tiền

Sau đó, TAND huyện Châu Thành đề nghị TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vì cho rằng tòa phúc thẩm xác định chưa khách quan. Quyết định giám đốc thẩm sau đó của TAND Tối cao đã hủy án, giao tòa cấp huyện xử sơ thẩm lại từ đầu.

Ngày 28-9-2012, TAND huyện Châu Thành xử sơ thẩm lần 2. Lúc này bên nguyên đơn chỉ còn chín người (do một số đồng nguyên đơn trước đây không có mặt ở địa phương, không có hộ khẩu nhà đất nên tòa xác định không đủ điều kiện khởi kiện và một số người đã không theo đuổi vụ kiện nữa). Tại tòa, ông Lợt cho rằng nếu chín hộ dân muốn ông mở lại đường thì phải đóng cho ông 200 triệu đồng.

Lần này, TAND huyện Châu Thành đã thay đổi quan điểm và cho rằng các đồng nguyên đơn không chứng minh được đây là đất công nên tuyên xử không chấp nhận yêu cầu của họ. Tòa buộc ông Lợt mở con đường bề ngang 2,5 m nhưng buộc các nguyên đơn phải đóng cho ông Lợt mỗi hộ hơn 18 triệu đồng.

Xử phúc thẩm sau đó, TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên y án.

Hiện các hộ dân tiếp tục khiếu nại vì cho rằng tòa xử chưa thuyết phục.

NGUYỄN HOÀNG

 

Phải tính đến yếu tố lịch sử khi giải quyết

Vụ việc đã đưa sang tòa án nên tôi không có ý kiến. Tuy nhiên, trong các vụ tranh chấp tương tự, chủ trương của UBND huyện là phải khôi phục các con đường để đảm bảo giao thông và xây dựng nông thôn mới. Khi xem xét các vụ việc tranh chấp, bên cạnh hồ sơ địa chính, rất cần xem xét yếu tố lịch sử để lại để xử hợp lý hợp tình.

Ông Huỳnh Thanh Nhàn, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Châu Thành, Tây Ninh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm