PHÚC THẨM VỤ “BỊ XỬ TỘI CƯỚP VÌ ĐÒI TIỀN “PHẠT””

Xin tòa chiếu cố cho các bị cáo!

Chiều tối 4-9, dù chưa xong phần xét hỏi nhưng TAND tỉnh Bình Dương phải tạm dừng phiên tòa phúc thẩm vụ bốn bị cáo câm điếc bị xử tội cướp tài sản. Tòa tuyên bố chiều nay sẽ tiếp tục phiên xử dở dang này.

Trước đó, bị cáo Lê Huỳnh Vũ Kha bị TAND huyện Dĩ An tuyên phạt năm năm tù, ba bị cáo Phạm Quý Lâm, Nguyễn Văn Tú và Mai Thy Dương bị bốn năm tù về tội cướp tài sản. Đây là phiên tòa thu hút sự quan tâm của giới làm công tác pháp luật, bởi bốn bị cáo đều bị câm điếc bẩm sinh.

Rủ nhau đi “đòi tiền phạt vạ”

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, lúc nhậu chung, Kha nghe kể lại Huỳnh Hữu Phước (cũng là người câm điếc bẩm sinh) nói mình có vợ rồi mà còn sex đứa này đứa kia. Kha hẹn Lâm, Tú, Dương cùng gặp Phước “đòi tiền phạt” vì đã nói xấu mình. Khi gặp, Kha đòi Phước phải nộp 3 triệu đồng tiền phạt nhưng Phước ra dấu không có. Kha ra dấu giảm còn 200.000 đồng, Phước nói không có tiền. Kha dùng tay đánh vào miệng Phước và bị Phước đánh lại. Ba người đi cùng thấy vậy đã dùng tay chân đánh Phước. Hai bên đánh nhau. Kha lấy miếng gạch lót nền đánh vào đầu Phước chảy máu rồi cùng ba người bạn bỏ về. Phước được đưa đi bệnh viện và phải khâu ba mũi.

Xin tòa chiếu cố cho các bị cáo! ảnh 1

Cô giáo Thủy đang ra dấu nói chuyện với các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: THANH TÙNG

Sau đó, tòa Dĩ An đã phạt bốn bị cáo như trên. Luật sư cho rằng cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì các bị cáo là người có nhược điểm về thể chất nhưng không có luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra. Đến khi kết thúc điều tra rồi luật sư mới được mời để chứng kiến đúng một buổi hỏi cung nhưng kết quả buổi hỏi cung này đã không được ghi nhận vì kết luận điều tra (có trước) không thay đổi. Ngoài ra, hành vi của các bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội cướp vì các bị cáo chỉ đánh cho bõ ghét để “phạt” chứ không phải đánh để người bị hại đưa tiền (vì biết không có tiền)…

Bị cáo: Không biết đánh Phước vậy là phạm luật

Phiên dịch tại tòa phúc thẩm là hai cô giáo của Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An (Bình Dương) - cô Trần Thị Thủy và cô Nguyễn Phượng Uyển.

Tại tòa, đại diện hợp pháp là cha mẹ bốn bị cáo đều kêu oan, đề nghị tòa xem xét lại tội danh và áp dụng hình phạt thấp nhất vì các bị cáo rất đáng thương. Thẩm vấn, chủ tọa cho rằng lời khai tại cơ quan điều tra và diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm đều ghi nhận cả bốn bị cáo thừa nhận việc đánh Phước là nhằm lấy tiền phạt để uống rượu, nếu không có tiền thì đánh để bị hại sợ mà đưa. Tuy nhiên, khi thẩm vấn, cả bốn bị cáo đều không thừa nhận điều này mà cho rằng việc đánh ấy là “do tức tối vì Phước nói xấu Kha”.

Với vai trò là người đầu vụ, bị cáo Kha là người được hỏi nhiều nhất. Kha thừa nhận có việc mình rủ ba người đến “đòi tiền phạt của Phước”. “Nhưng đánh là vì tức do bị nói xấu chứ không phải để lấy tiền, án sơ thẩm xử tội cướp là oan” - Kha nói (bằng ra dấu, người phiên dịch dịch lại). Tòa hỏi: “Thế sao trong hồ sơ bị cáo khai đánh để lấy tiền dắt mọi người đi nhậu, đánh xong có ai lục lọi lấy tài sản gì không?”. Kha trả lời: “Bị cáo chỉ nói nếu Phước có tiền thì đưa, không có thì đánh, sau đó thấy máu thì mọi người chạy hết vì sợ”.

Bị cáo cũng giải thích, không biết hành vi đánh Phước là vi phạm pháp luật, chỉ nghĩ là cho bõ tức.

Tòa cho rằng nhiều lời khai trước đó đã khẳng định các bị cáo đánh người nhằm chiếm đoạt tài sản, như vậy theo luật là phạm tội, án sơ thẩm xử như thế là đã nhẹ.

Nghe xong, Kha ú ớ phản ứng bằng cách lắc đầu quầy quậy, người phiên dịch thuật lại ý bị cáo nói rằng mình “bị oan, chỉ phạm tội gây rối với bạn”.

Tư duy của người khuyết tật

Tú khai Kha rủ đi đòi tiền phạt của Phước để uống cà phê và có đánh Phước một cái vào mặt. “Bị cáo không biết mình phạm tội gì nhưng bị bốn năm tù là quá nặng” - Phước nói. Còn Lâm thì lại cho rằng thấy Kha kể vậy rồi rủ thì đi theo để đánh vì “tức lây” chứ không nhằm mục đích gì cả. Kha cũng không hứa hẹn đánh lấy tiền hay để làm gì.

Tòa hỏi: “Sao tại công an bị cáo nhận tội cướp?”. Lâm ra dấu khẳng định: “Kha không nói lấy tiền bạc gì hết, đánh là giúp Kha thôi. Tại công an bị cáo không hề khai như vậy…”.

Tòa lại hỏi lần nữa về mục đích đánh người nhưng các bị cáo đều lặp lại là không nhằm mục đích cướp tiền. Thẩm phán hỏi người phiên dịch: “Tại sao ở cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm các bị cáo đều nhận tội mà hôm nay lại chối. Chị là người dịch cho bị cáo từ đầu đến nay thấy thế nào, lời dịch có chính xác không?”. Cô giáo Thủy đáp: “Chúng tôi không biết, thưa tòa! Mấy em nó nói sao tôi dịch vậy thôi... Nhận thức của mấy em nó không giống người thường… Tôi cũng xin tòa xem xét, chiếu cố cho các bị cáo vì họ đều có hoàn cảnh tội nghiệp”.

Cô Uyển nói thêm: “Các bị cáo mới chỉ học hết lớp 1, đều không biết chữ và không diễn tả được theo các câu từ của người bình thường. Bởi tư duy của người khuyết tật không theo logic nên lúc nói thế này, khi hiểu thế nọ là chuyện bình thường”.

Trao đổi với chúng tôi bên lề phiên xử, kiểm sát viên Trần Trí Thức, người giữ quyền công tố tại tòa, nói: “Tôi hiểu và thông cảm với hoàn cảnh và những thiệt thòi của các bị cáo. Tôi sẽ làm việc công tâm và có trách nhiệm”.

Chiều nay, tòa tiếp tục phiên xử.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm