Xử ‘xây lụi’ ở Bình Chánh, duyệt ranh ở Thủ Thiêm

Chiều 4-4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, thu chi ngân sách trên địa bàn quý I và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II-2019.

Bình Chánh sẽ xử “xây lụi”

Tại cuộc họp, người đứng đầu chính quyền TP.HCM đã yêu cầu lãnh đạo huyện Bình Chánh giải trình về tình hình xây dựng sai phép, không phép bùng phát trên địa bàn. Vấn đề này đã được Pháp Luật TP.HCM phản ánh trong nhiều số báo thời gian qua đã khiến dư luận rất quan tâm.

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ cho biết hiện UBND huyện đã giao công an huyện điều tra xem có tình trạng tiếp tay giữa cán bộ và đầu nậu xây dựng hay không, nếu có thì sẽ kiên quyết xử lý. Ông Lữ thừa nhận dù hằng năm tỉ lệ xây dựng trái phép có giảm, huyện có nỗ lực nhiều nhưng chuyện xây nhà sai phép, không phép vẫn không thể chấm dứt. Nguyên nhân là huyện Bình Chánh có đông người dân nhập cư, nhu cầu về nhà ở diện tích nhỏ khoảng 40-50 m2 còn rất lớn.

Nói về giải pháp, ông Lữ cho biết huyện đang siết chặt, tập trung kiểm tra, giám sát địa bàn. “Chúng tôi lên kế hoạch phân công cán bộ địa chính, cán bộ quản lý địa bàn rất cụ thể. Có phân rõ tuyến đường và yêu cầu phải báo cáo tình hình hằng ngày để tránh bỏ sót hoặc xảy ra chuyện bao che của cán bộ” - ông Lữ nói.

Người đứng đầu chính quyền huyện Bình Chánh cho rằng cái khó của huyện khi nhiều trường hợp vi phạm, đã bị xử phạt hành chính rồi vẫn tái phạm. “Tới đây nên có xử lý hình sự với những tổ chức, cá nhân có mức độ vi phạm nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần có hệ thống, có tổ chức” - ông Lữ nói.

Một giải pháp khác, ông Lữ cho biết huyện sẽ tăng cường giám sát cán bộ, công chức. Cụ thể, nếu cấp huyện xuống kiểm tra thấy có xây dựng không phép mà cán bộ phụ trách không báo cáo thì phải bị xử lý.

Riêng đối với Sở Xây dựng, ông Phong yêu cầu siết chặt công tác cấp phép và quản lý trật tự xây dựng; hoàn chỉnh đề án thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội. Ảnh: TÁ LÂM

Sẽ phê ranh khu 4,3 ha ở Thủ Thiêm

Tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã nêu bảy vấn đề còn tồn đọng trên địa bàn, trong đó có ranh khu 4,3 ha - khu được xác định ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm theo thông báo của Thanh tra Chính phủ.

Theo ông Phong, để tiến tới phê duyệt ranh khu 4,3 ha thì TP đang chờ ý kiến từ các bộ, ngành liên quan. “Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cùng lãnh đạo các sở Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc đã làm việc nhiều lần với Bộ Xây dựng, hiện đang hoàn thiện để tới đây sẽ phê duyệt ranh khu vực 4,3 ha” - ông Phong nói và cho biết sau khi phê duyệt ranh sẽ tiến hành các bước tiếp theo.

Ngoài vấn đề Thủ Thiêm, các công việc khác đang tồn đọng mà ông Phong nêu ra gồm: Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp; tổng kết công tác tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; nghiên cứu lập quy hoạch mới phát triển kinh tế-xã hội TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề án xây dựng TP trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản khu vực và cả nước...

7,64% là tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP trong quý I-2019. “Tuy nhiên, các nhóm ngành dịch vụ chủ yếu tăng chậm hơn so với cùng kỳ trong khi tiềm năng phát triển của nó ở TP vẫn còn rất lớn” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong. 

Mạnh tay với việc hỏi mà không nói

Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết sở này đang đề xuất quy trình giải quyết hồ sơ hành chính nhằm giải quyết “nỗi khổ” của quận/huyện, sở/ngành là hỏi mà không được trả lời hoặc chậm trả lời. “Chúng tôi đang đề xuất trong vòng 15 ngày làm việc, nếu không trả lời thì coi như cơ quan được hỏi đã đồng ý với nội dung hỏi. Nếu vậy, các đề xuất phải cụ thể, không hỏi chung chung nữa, để khi người ta không trả lời thì có thể thực hiện được ngay” - ông Lắm nói.

Theo ông Lắm, việc chậm trả lời, không trả lời là tâm tư của sở/ngành, quận/huyện, thắc mắc lắm nhưng ra hội nghị chính thức thì không dám nói vì vị nể, sợ đụng chạm lẫn nhau. “Tôi nghĩ phải mạnh tay, dứt khoát thì mới làm được” - ông Lắm nói và cho biết thêm ở cấp độ Văn phòng UBND TP, khi tiếp nhận đề xuất của các cơ quan cũng phải thông báo, còn không thì coi như đồng ý với đề xuất đó.

Còn tồn 11 cuộc thanh tra

Về việc tồn đọng các kết luận thanh tra, ông Phong đề nghị các cơ quan liên quan trong thời gian tới cần tập trung các dự án như khu đô thị Sing Việt, dự án Safari. Ông Phong cho biết trong năm 2018, Thanh tra TP.HCM đã tiến hành hơn 50 cuộc thanh tra. “Sau khi có dự thảo xong sẽ báo cáo Thường trực UBND TP. Vẫn còn tồn đọng 11 cuộc thanh tra, sắp tới sẽ tiếp tục nghe và có kết luận thanh tra” - ông Phong nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm