Y tế Đà Nẵng sẽ quá tải nếu có hơn 6.000 ca COVID-19

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng đã có những phát biểu tâm huyết về tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại kỳ họp thứ hai HĐND TP khóa X diễn ra sáng 12-8.

Thiết lập 300 giường hồi sức

Theo bà Yến, TP đã trải qua những ngày rất áp lực với chuỗi lây nhiễm cảng cá Thọ Quang.

Sau khi kiểm soát bằng nhiều biện pháp, dấu hiệu cho thấy chuỗi lây nhiễm này đã đi xuống và TP đã thành công trong việc khống chế chùm bệnh này.

Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Tuy nhiên sáng nay, TP lại xuất hiện chuỗi lây nhiễm mới rất phức tạp ở chợ đầu mối Hòa Cường, địa điểm cung cấp thực phẩm chính cho TP.

Bà Yến nhấn mạnh: TP phải tập trung phong tỏa với tinh thần rất rõ là phong tỏa cứng, không bao giờ có suy nghĩ phong tỏa mềm. Còn diện phong tỏa hẹp hay rộng phải căn cứ trên đánh giá của chuyên gia.

Đồng thời, Đà Nẵng cần xét nghiệm thần tốc nhưng phải đúng địa điểm, trọng tâm với phương châm làm sao phát hiện F0 nhanh nhất, điều trị được F0 và hạn chế tối đa việc tử vong.

Theo bà Yến, Đà Nẵng đã thiết lập được 300 giường hồi sức cùng máy móc hiện đại, có một hệ thống khí nén oxy đầy đủ cho quy mô 300 giường này. Tuy vậy đây đã là cố gắng hết sức, gần như tối đa của ngành y tế TP.

“Với tỉ lệ 5% bệnh nặng trên tổng số ca COVID-19, khi TP có hơn 6.000 ca thì hết công suất 300 giường hồi sức. Nếu số ca dương tính tăng hơn nữa thì hệ thống y tế chắc chắn quá tải. Vì thế việc kiểm soát làm sao cho số ca bệnh giảm cần những hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị TP” – bà Yến cho hay.

Được biết, từ ngày 10-7 đến 11-8, Đà Nẵng ghi nhận 1.473 ca mắc COVID-19 với 13 người tử vong. Hiện toàn TP đang điều trị 1.069 ca bệnh, trong đó có 43 ca nặng, nguy cơ tử vong.

Đà Nẵng đã tiêm hơn 70.000 liều vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: TẤN VIỆT

Đà Nẵng đủ năng lực tiêm 40.000 liều vắc xin/ngày

Bà Yến cho hay, ngành y tế đã tham mưu cho TP kế hoạch tiêm vắc xin với mục đích tiêm nhanh nhất, an toàn nhất, cố gắng hết sức nếu có tai biến thì xử lý kịp thời. TP đã ban hành kế hoạch về chiến dịch tiêm vắc xin với tổng cộng 9 địa điểm tiêm, 102 điểm tiêm.

Nếu việc tiêm vaccine xin chỉ diễn ra trong giờ hành chính thì TP tiêm được 20.000 người/ngày. Nhưng có thể tối ưu hóa điểm tiêm, ba ca/ngày thì có thể tiêm cho 35.000 đến 40.000 người/ngày.

Theo bà Yến, TP đang nhận ba loại vaccine. Lãnh đạo TP thống nhất quan điểm rằng vaccine Pfizer chỉ dành ưu tiên tiêm cho người cao tuổi và bệnh mãn tính. Vaccine Moderna một phần tiêm cho đối tượng ưu tiên, một phần tiêm cho người cao tuổi có bệnh nền vì ít có phản ứng sau tiêm. Vaccine Astra Zeneca tiêm cho toàn bộ đối tượng còn lại.

Theo kế hoạch, Bộ Y tế phân bổ về TP 197.000 liều, thực tế về tới Đà Nẵng hiện nay khoảng 95.000 liều. TP đã tiêm hơn 70.000 liều, đến 14-8 sẽ tiêm hết 100% vaccine hiện có.

“Chúng tôi đã có kế hoạch tiêm hết số vaccine còn lại Bộ Y tế chuẩn bị chuyển về. Phương châm là không để một liều nào lãng phí. Không để trống khoảng thời gian nào có vaccine mà không được tiêm. Không để trường hợp nào đáng tiếc xảy ra về phản ứng sau tiêm” – bà Yến cho hay.

Bà Yến cũng khẳng định nếu có vaccine đầy đủ, ngành y tế sẽ tập trung trong một tháng là có thể tiêm hết mũi một cho 826.000 người dân trên 18 tuổi.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho hay nguy cơ dịch bệnh của các địa phương trên địa bàn TP hiện rất cao. “Nếu không kịp thời, quyết liệt hơn sẽ dẫn đến nhiều hậu quả ảnh hưởng rất xấu đến tình hình, đặc biệt là sinh mệnh của nhân dân, không khéo rơi vào tình trạng quá tải y tế, rất dễ xảy ra vỡ trận” – ông Triết lưu ý.

Ông Triết cũng đề nghị người dân TP bình tĩnh cùng nhau ứng phó với đại dịch, không hoảng loạn.

“Phương án chuẩn bị (phong tỏa toàn TP bảy ngày – PV) chỉ áp dụng khi đến hết tuần này mà số ca dương tính không giảm hoặc tăng. Còn nếu đến hết tuần ca dương tính giảm xuống sâu hơn thì cân nhắc lại hình thức, phương án đối phó", ông Triết nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm