Đậu hũ (có nơi gọi là đậu hủ, đậu non) có lẽ xuất phát từ cái tên gốc là tàu hủ. Dù thế nào tôi vẫn thích gọi món ăn vặt ấy là đậu hũ bởi ngày xưa món này được bỏ trong hũ, khạp nên được gọi dân dã là đậu hũ.
Giờ ngoài chợ, trên đường... ta vẫn bắt gặp đậu hũ nhưng được đựng trong thùng nhựa, loại thùng vốn để chứa nước đá. Tôi ít khi ăn đậu hũ đựng trong những thùng này cũng chỉ vì… cái thùng. Thùng nhựa luôn tạo cảm giác bất an, nhất là khi đựng đồ ăn nóng. Nhưng nhiều lúc chỉ vì nhớ món ăn tuổi thơ mà tôi vẫn cứ mua ăn.
Đậu hũ được làm từ đậu nành, rất tốt cho sức khỏe, nhất là phụ nữ. Cầm chén đậu hũ thơm thơm, mịn mượt như da thịt trẻ nhỏ rất dễ đâm mê.
Thuở xưa, khi tôi còn tuổi cột tóc hai chùm (người lớn hay chọc là hai đùm mắm thúi), nhà tôi nằm lọt trong con hẻm rộng rãi, tám nhà xếp ngang. Chơi cả ngày không chán, chơi nhiều lại thèm ngọt. Xế xế, bóng chị bán đậu hũ xuất hiện như một niềm mong chờ da diết.
Này nhé, một đôi quang gánh bóng lên soi được mặt. Một đầu là cái khạp sành lót rơm êm ái. Mặt khạp là một chiếc khăn trắng phủ kín, trên nữa là cái nắp bằng gỗ có cả quai cầm để giở ra, đậy vào. Đầu kia là một thùng gỗ chữ nhật. Ba ngăn. Ngăn giữa là nồi đường vàng nâu óng ánh như mật. Đây đó điểm những nhát gừng giã dập. Ngăn dưới là chậu nước rửa chén, bao giờ cũng có tờ lá chuối hay vài nhánh lá dứa để chậu nước không sóng sánh. Ngăn lộ thiên là đàn chén trắng úp gọn gàng như “Một đàn cò trắng phau phau/ Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm”.
Hạ cái gánh cong oằn trên vai xuống một cách nhẹ nhàng, chị bán hàng bận áo bà ba trắng tinh thận trọng dựng cái đòn gánh vào tường rồi rút từ gióng gánh một đòn ngồi nhỏ như cái bàn tay. Giở cái nắp thùng gỗ rồi hé cái lớp khăn vải trắng, chị dùng một cái vá thiếc như một chiếc lá súng tây hớt nhẹ nước đậu tươm ra trong veo rồi thả vào một cái chén. Phần đặc biệt này chị sẽ trao cho người lớn tuổi nhất có mặt hôm ấy.
Xong “nghi thức”, chị bắt đầu bán cho lũ nhóc chúng tôi. Lúc nào khạp đậu hũ của chị cũng nóng bỏng lưỡi, vừa ăn vừa thổi, vừa quệt mồ hôi. Rồi 10 đứa như chục, lần nào lũ trẻ chúng tôi cũng xin chị thêm chút đường, xin thêm chút đậu… vì biết chị chẳng bao giờ từ chối.
Xong “nghi thức” ấy, mới bắt đầu bán. Lúc nào khạp đậu hũ của chị cũng nóng bỏng lưỡi, vừa ăn vừa thổi, vừa quệt mồ hôi. Như một liều thuốc giải cảm. Có lẽ vậy mà bọn trẻ nhỏ xóm tôi cứ lớn lên như cây như cỏ, ít bệnh tật ốm đau. Hồi đó, không biết sáng kiến từ đâu nhưng đứa nào nhận chén đậu từ tay chị, 10 đứa như chục, 10 lần như một, đều xin:
- Cho em thêm một chút đường!
Chị múc một xíu và nghiêng cái muỗng để đường chảy thành chỉ tơ rồi chìm lút đi dưới mặt đậu. Ăn đến khi còn 1/3 chén, lại sẽ chìa cái chén ra:
- Ngọt quá, cho em thêm chút đậu!
Bao giờ chị cũng cười, hai hàng mi lúng liếng đẹp mê tơi, giở nắp khạp và cho mỗi đứa một lát đậu mỏng. Chưa bao giờ từ chối một đứa nào!
Sau này người lớn không cho “xin đểu” như thế nữa, mới thôi!
Những kỷ niệm trẻ con, nhớ lại, xao xuyến chi lạ! Những món ăn bình thường nhưng qua gián cách thời gian bỗng trở nên tha thiết lạ! Âu đó cũng là quy luật muôn người và muôn đời…