Sáng 8-2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS).
Tại đây, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) kiến nghị NHNN cho phép doanh nghiệp BĐS được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn và được vay vốn tín dụng mới nếu có tài sản bảo đảm với lãi suất vay hợp lý.
Theo đó, HoREA cho rằng, thị trường BĐS đang rất khó khăn. Có thể nói năm 2022 là năm khó khăn khắc nghiệt nhất và năm 2023 là năm quyết định sống còn đối với các doanh nghiệp BĐS nên cần có các giải pháp đồng bộ về thể chế pháp luật, về thủ tục hành chính, về thị trường vốn, trước hết là giải pháp về tín dụng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đề nghị NHNN cho phép doanh nghiệp BĐS được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12 - 24 tháng. Ảnh: MINH TRÚC |
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ giải quyết nút thắt về dòng tiền để bảo đảm tính thanh khoản, các doanh nghiệp BĐS mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn.
“Vướng mắc pháp lý” chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp BĐS. Tiếp theo là vấn đề “trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn” và các khoản vay tín dụng đến hạn kéo theo rủi ro chuyển thành “nợ xấu” hoặc “nhảy nhóm nợ xấu hơn”.
HoREA cho rằng, có một số quy định của NHNN hoặc quy định riêng của các ngân hàng thương mại cần được xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay.
Cụ thể, nhiều ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp BĐS phải có Giấy phép xây dựng, làm khó cho doanh nghiệp BĐS và không nằm trong điều kiện để được vay vốn tín dụng.
Hay như Thông tư 08/2020/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa nguồn vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm để cho vay trung dài hạn theo tỉ lệ: “Từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023: 34%; Từ ngày 1/10/2023: 30%”, đã dẫn đến hệ quả các tổ chức tín dụng càng bị giảm nguồn vốn tín dụng cho vay trung dài hạn.
HoREA đề nghị NHNN xem xét áp dụng tương tự các giải pháp rất thiết thực và hiệu quả của Thông tư 14/2021/TT-NHNN (hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19) để áp dụng cho các doanh nghiệp BĐS năm 2023.
Đề nghị NHNN xem xét ban hành Thông tư (mới) tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép doanh nghiệp BĐS được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12 - 24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm.
Trước ý kiến từ phía HoREA, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi vẫn được ngân hàng cho vay theo đúng quy định.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: MINH TRÚC |
Trong thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng trong đó có lĩnh vực BĐS.
Ngoài ra, NHNN cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung; kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng hoặc nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của ngân hàng,... đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
NHNN sẽ rà soát và phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường BĐS phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của các ngân hàng.
NHNN đã họp và thống nhất, năm 2023 sẽ tiếp tục sử dụng công cụ room tín dụng. Ban lãnh đạo cũng giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu để xem lộ trình nhưng vẫn đảm bảo điều hành tín dụng, đáp ứng vốn cho nền kinh tế và đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.
"Định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14 – 15%, có điều chỉnh tùy theo tình hình. Nếu diễn biến lạm phát cho phép thì việc điều hành tín dụng có thể sẽ linh hoạt hơn. Nhưng nếu lạm phát có nguy cơ rủi ro tăng cao thì lúc đó NHNN sẽ có điều chỉnh phù hợp”, Thống đốc nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hồng này, bản thân NHNN không “bó cứng” room cho tăng trưởng tín dụng vào bất động sản, NHNN chỉ định hướng chung cho các tổ chức tín dụng là trên cơ sở các tổ chức hoạt động an toàn, lành mạnh, việc phân bổ tín dụng cho các chi nhánh, địa phương do tổ chức tín dụng thực hiện.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán không phải là rủi ro của việc tín dụng thuần túy.
Bà Hồng dẫn chứng có thể một dự án đủ điều kiện vay vốn nhưng ngân hàng không cho vay được vì nếu cho vay dài hạn, ngân hàng sẽ không đảm bảo được khả năng an toàn hoạt động, người dân đến rút tiền sẽ không có tiền trả. Do đó, rủi ro ở đây là việc chênh lệch kỳ hạn và an toàn hệ thống.
Liên quan đến các kiến nghị quy định về hệ số rủi ro hay tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, theo bà Hồng, đây cũng là mục tiêu để đảm bảo an toàn hoạt động và an toàn thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trên thực tế NHNN chưa có văn bản nào nêu vấn đề thắt chặt tín dụng vào bất động sản. Ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào việc cho vay, thẩm định của các tổ chức tín dụng đối với các doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của từng ngân hàng và của hệ thống.
Về định hướng điều hành năm 2023, NHNN đã có một số yêu cầu đối với các tổ chức tín dụng:
Thứ nhất, các tổ chức tín dụng nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản đã hoàn thiện pháp lý, có khả năng trả nợ.
Thứ hai, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.
Thứ ba, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng tín dụng, không nới lỏng các điều kiện tín dụng nhằm hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh;
Xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản,...
Nhiều ngân hàng sẽ giảm lãi suất huy động
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, ngay trước hội nghị (8-2), Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng.