Chiều 15-6, UBND TP.HCM tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Phó trưởng phòng y tế TP Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Khuôn đã thông tin đến báo chí về kết quả điều tra, xử lý ngộ độc nghi do độc tố Clostridium Botulinum từ các vụ việc ghi nhận tại địa phương.
|
Phó trưởng phòng y tế TP Thủ Đức Nguyễn Văn Khuôn thông tin tại họp báo. Ảnh: N.N |
Từ thông tin phản ánh của báo chí, UBND TP Thủ Đức tiếp nhận thông tin các trường hợp ngộ độc thực phẩm nghi do độc tố Clostridium Botulinum.
Theo đó, tổng số người ngộ độc thực phẩm là bảy, ngụ tại các phường Long Thạnh Mỹ, Thạnh Mỹ Lợi và Cát Lái. Trong đó có một người tử vong là ông Phan Văn Hưng, (SN 1978).
Trường hợp đầu tiên có ba ca ngộ độc, ngụ phường Long Thạnh Mỹ. Ba người này đã mua giò chả để ăn kèm với bánh mì. Đến hôm sau thì bị ngộ độc.
Một trường hợp khác là ông Phan Văn Hưng, ăn 1 loại mắm để lâu ngày rồi bị ngộ độc, sau đó tử vong.
Tiếp theo là hai bé nhỏ mua một cây chả lụa 30.000 đồng ăn cùng hai ổ bánh mì. Qua ngày hôm sau cả hai nhập viện.
“Kết quả điều tra của các cơ quan ban, ngành đến nay thì các mẫu xét nghiệm đều âm tính, không tìm đc mối liên quan giữa các vụ ngộ độc này”- ông Khuôn nói và cho biết, nguồn thực phẩm chính gây ngộ độc vẫn là từ bún mắm và giò chả.
Ông Khuôn cho biết, cơ quan chức năng TP Thủ Đức đã cho kiểm tra tất cả nguồn gốc, truy vết đến từng đối tượng nhưng người bán hàng rong không hợp tác, Công an phải vào cuộc điều tra. Các đối tượng khai giò chả là do nhà tự sản xuất, đem đi các nơi bán, họ cũng giao mối cho nhiều chỗ ở Cát Lái, Long Phước, Long Thạnh Mỹ…
Khó khăn hiện nay là thời điểm ngộ độc xảy ra sau đó một ngày nên các cơ quan chức năng khó tìm mẫu thực phẩm liên quan đến bữa ăn.
Trong số bảy người được tiếp nhận, có ba người không điều tra trực tiếp được do có hai bệnh nhân hôn mê sâu và một người đã tử vong nên không còn mẫu thực phẩm thừa tại thời điểm đoàn kiểm tra, điều tra ngộ độc làm việc.
Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng của bốn trường hợp khác, dựa vào thời gian khởi phát, kết quả điều tra dịch tễ và kết quả chẩn đoán của Bệnh viện Quân Dân y Miền Đông, Bệnh viện Nhi Đồng 2, báo cáo của trung tâm y tế về kết quả điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, nhận định trường hợp này là một vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố C.botulinum.
Hiện nay, chính quyền TP Thủ Đức đang đề xuất xử lý hai cơ sở sản xuất giò chả không phép, không có biển hiệu vừa mới kinh doanh hơn một tháng, chủ yếu lấy thịt làm giò chả rồi đem đi bán.
Đồng thời, yêu cầu niêm phong bốn tủ thực phẩm của hai cơ sở này, lấy mẫu đi xét nghiệm để truy xuất các nguồn thực phẩm.
Đại diện Trung tâm Y tế TP Thủ Đức cho biết, trong tháng sau sẽ khó các buổi kiểm tra đồng loạt về thực phẩm giò chả và các loại khác.
Theo Kế hoạch số 361/KH-UBND ngày 25-5-2023 của UBND TP Thủ Đức về tháng cao điểm kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, đến nay đã tiến hành kiểm tra 22/22 cơ sở theo danh sách. Qua đó, có ba cơ sở ký cam kết ngừng hoạt động; ba cơ sở gia hạn hoàn thiện trong 30 ngày; xử phạt hai cơ sở; có hai cơ sở đã được các đoàn khác kiểm tra; tiêu hủy tại chỗ 200kg hàng hóa).