Thông tư 30: “Đi tập huấn, cán bộ chơi điện thoại, bảo sao GV khó thông?“

TS Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học- trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Dù đánh giá Thông tư 30 là một thông tư rất tiên tiến, tốt cho sự phát triển của học sinh, tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội (cũng là một trong những người được tham gia tập huấn thực hiện thông tư 30) cho rằng việc thực hiện thông tư diễn ra quá vội vàng đã và đang đem lại những bất cập.

“Sau một học kì thực hiện, giáo viên tiểu học phần lớn là bức xúc và phản đối thông tư. Họ phản ánh rất nhiều trói buộc về hành chính khiến cho công việc sổ sách của họ chiếm quá nhiều thời gian. Các câu nhận xét của họ bị xét đoán khiến cho chúng thiếu tự nhiên, bị áp đặt và rập khuôn”, bà Hương chia sẻ.

Yếu điểm trong khâu tập huấn

Theo bà Hương, vấn đề này không chỉ xuất phát từ việc tập huấn quá vội vàng mà còn cộng thêm phương pháp tập huấn cũng không phù hợp. Thay vì tập huấn trực tiếp cho các giáo viên hiểu, Bộ GDĐT tiến hành tập huấn cho cán bộ các Sở, rồi chính các cán bộ này tập huấn cho cán bộ phòng giáo dục. 

Tiếp theo là các hiệu trưởng được cán bộ phòng giáo dục tập huấn. Rồi cuối cùng giáo viên mới được biết đến từ hiệu trưởng. Cũng có một số giáo viên được tham dự lớp tập huấn của Bộ GDĐT tổ chức nhưng số lượng lại vô cùng ít ỏi.

Bà Hương cho rằng, chính việc tập huấn qua nhiều cấp bậc đã khiến chỉ đạo thông tin 30 từ trên truyền xuống dưới bị “bóp méo” đi khá nhiều.

Là người từng có mặt trong một trong những buổi tập huấn đó, bà Hương tiết lộ: “Tôi đã tham dự những lớp tập huấn đó cùng với một số đồng nghiệp trong khoa với tư cách là những nhà nghiên cứu và sẽ giảng dạy cho sinh viên sư phạm tiểu học. Những buổi tập huấn này được Bộ GDĐT chỉ đạo tiến hành nghiêm túc và cẩn thận. Nhưng khi tham dự, tôi vô cùng bức xúc và lo lắng khi thấy một bộ phận cán bộ các sở giáo dục không quan tâm đến việc lắng nghe các giảng viên phổ biến thông tư mà thay vào đó họ ngồi gọi điện thoại hoặc lướt Internet”

Bà Hương lấy dẫn chứng cụ thể: “Người ngồi bên cạnh tôi hôm đó là cán bộ phòng giáo dục của một thành phố lớn không tiện nêu tên. Nhưng phần lớn thời gian tập huấn, chị ấy lại ngồi nghịch điện thoại hết lướt Facebook, gọi điện thoại, rồi hý hoáy nhắn tin.

Thậm chí chị ấy còn nói chuyện với đồng nghiệp cùng đi một cách rất thoải mái trong khi giảng viên đang giảng hết sức nhiệt tình. Và dĩ nhiên là nói chuyện ngoài nội dung buổi tập huấn”.

Bà Hương cho biết, số người không tập trung để lắng nghe này không nhiều nhưng chắc rằng họ sẽ không thể truyền đạt chính xác những nội dung quan trọng cho các giáo viên. Việc này tất yếu ảnh hưởng vô cùng lớn đến thực hiện thông tư.

“Sau một thời gian thực hiện thông tư, những lo lắng của tôi quả cũng thành hiện thực. Các nội dung cơ bản và quan trọng của thông tư hầu như giáo viên không nắm được. Tôi thử hỏi các giáo viên tiểu học là tại sao Bộ Giáo dục lại áp dụng thông tư 30 thì hầu hết số được hỏi không biết câu trả lời.

Như vậy, giáo viên tiểu học hiện nay đã phải làm theo một quy định quan trọng nhưng không hiểu rõ về nó. Đây là lý do để mọi việc bị rối lên mà không tháo gỡ được.

Tôi cảm thấy vô cùng tiếc nuối và lo sợ rằng một thông tư đúng đắn sẽ không thể tiếp tục được áp dụng nếu tình trạng này còn tiếp diễn. Vì vậy, rất mong Bộ GDĐT có phương án xử lý kịp thời để thông tư mang lại lợi ích cho các cháu học sinh”, bà Hương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới