Từ ngày 1-1-2021, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đi khám bệnh, chữa bệnh trái tuyến tỉnh sẽ được hưởng 100% quyền lợi chi phí khám chữa bệnh.
Đây là chính sách mới được nhiều người dân ủng hộ, bởi từ nay người tham gia BHYT có thể chọn những bệnh viện tuyến tỉnh để khám chữa bệnh mà không cần xin giấy chuyển tuyến.
Tuy nhiên, theo quy định thì không phải người tham gia BHYT nào khi khám chữa bệnh trái tuyến tỉnh cũng đều được hưởng 100% mức hưởng.
Người dân đến đăng ký khám chữa bệnh tại BV Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Nên xin giấy chuyển tuyến
Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, để làm rõ hơn về quyền lợi của người tham gia BHYT khi thông tuyến tỉnh.
. Phóng viên:Thưa bà, bắt đầu từ ngày 1-1-2021 thì những trường hợp nào được BHYT chi trả 100% chi phí điều trị bệnh và trường hợp nào không được hưởng BHYT khiđi khám chữa bệnh trái tuyến tỉnh?
+ Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Từ ngày 1-1- 2021, người bệnh có tham gia BHYT khi đến các bệnh viện tuyến tỉnh được chỉ định nhập viện để điều trị nội trú thì mới được thanh toán 100% chi phí theo mức quyền lợi.
Nếu người bệnh có tham gia BHYT mà khám và điều trị ngoại trú trái tuyến tỉnh thì phải đóng 100% chi phí khám chữa bệnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM. Ảnh: N.H
Như vậy, một người sử dụng thẻ BHYT khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là bệnh viện tuyến huyện, nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh ở bất cứ tỉnh nào cũng không bắt buộc phải có giấy chuyển tuyến như trước đây. Trường hợp này họ vẫn được hưởng BHYT 100% chi phí điều trị theo mức quyền lợi của người đó được hưởng.
Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý: Trước đây, đối với những trường hợp tham gia BHYT năm năm liên tục thì khi điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh có giấy chuyển tuyến mà chi phí điều trị hơn sáu tháng lương cơ sở (lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng, tương đương 8.940.000 đồng) thì sẽ được miễn đồng chi trả khi đi đúng tuyến.
Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2021, đối với người bệnh điều trị trái tuyến tỉnh không có giấy chuyển tuyến dù vẫn được hưởng 100% mức quyền lợi hưởng BHYT nhưng lại không được cộng lũy kế để được miễn đồng chi trả.
Như vậy, đối với bệnh nhân tham gia BHYT khi khám chữa bệnh nếu có điều kiện thì nên xin giấy chuyển tuyến để được hưởng BHYT khi điều trị ngoại trú. Đồng thời, nếu có giấy chuyển tuyến này thì người bệnh sẽ được miễn đồng chi trả ở tuyến tỉnh nếu chi phí điều trị nhiều hơn sáu tháng lương.
Không phải trường hợp nào cũng hưởng 100%
. Khi thông tuyến BHYT thì mức hưởng BHYT trái tuyến tỉnh như thế nào?
+ Kể từ ngày 1-1-2021, khi điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh thuộc trường hợp trái tuyến có ba mức hưởng sau:
Thẻ BHYT là loại có mức hưởng 100% sẽ được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.
Thẻ BHYT là loại có mức hưởng 95% sẽ được thanh toán 95% chi phí điều trị nội trú thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.
Thẻ BHYT là loại có mức hưởng 80% sẽ được thanh toán 80% chi phí điều trị nội trú thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.
Như vậy, không phải trường hợp nào BHYT cũng chi trả 100% chi phí điều trị nội trú khi đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh mà nó còn tùy thuộc vào mức hưởng của loại thẻ BHYT.
. Từ ngày 1-1-2021, khi người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh ở tuyến tỉnhmà đi khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trung ương thì sẽ được BHYT chi trả chi phí điều trị ra sao?
+ Người có thẻ BHYT đăng ký ở tuyến tỉnh nếu cần chuyển tuyến trung ương thì vẫn được cấp giấy chuyển tuyến để được điều trị.
Nếu có giấy chuyển tuyến thì người bệnh sẽ được hưởng 100% chi phí điều trị theo mức quyền lợi. Nếu không có giấy chuyển tuyến và không phải trường hợp cấp cứu thì sẽ được BHYT thanh toán 40% theo mức quyền lợi khi nằm nội trú tại các bệnh viện tuyến trung ương.
. Xin cám ơn bà!
Các bệnh viện sẽ thực hiện thông tuyến BHYT ra sao? Mới đây, BHXH TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong giai đoạn cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Theo đó, quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú mức hưởng quy định cho người tham gia BHYT khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước. BHXH TP.HCM cũng đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh BHYT triển khai và quản lý chặt chẽ việc tiếp nhận, chỉ định điều trị nội trú phù hợp với tình trạng bệnh lý của người có thẻ BHYT, phù hợp với phạm vi chuyên môn và số giường nội trú đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Các trường hợp khác (khám, điều trị ngoại trú) thì sử dụng theo giấy chuyển tuyến hoặc giấy hẹn tái khám. Giấy hẹn tái khám chỉ có giá trị sử dụng một lần trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hẹn khám lại (không giới hạn trong năm dương lịch). Trường hợp các thẻ BHYT có giá trị đến ngày 31-12-2020 khi khám bệnh, chữa bệnh trong những ngày cuối năm vẫn được kê đơn, cấp thuốc theo chỉ định của bác sĩ và liệu trình điều trị. Bà NGUYỄN THỊ THU HẰNG, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM |