Thủ đoạn rửa tiền của ông chủ Công ty Nhật Cường

Trong vụ án buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường, do Bùi Quang Huy (tổng giám đốc, người có vai trò cầm đầu) cùng nhiều người khác đã bỏ trốn, đến nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an mới đủ căn cứ đề nghị truy tố đối với 15 bị can.

Bộ Công an khám xét chuỗi cửa hàng của Công ty Nhật Cường
hồi tháng 5-2019. Ảnh: TP

Buôn lậu xuyên biên giới

Theo kết luận điều tra, từ năm 2014 đến 2019, Bùi Quang Huy sử dụng hệ thống nhân sự của Công ty Nhật Cường để mua 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy tính bảng, đồng hồ… với tổng giá trị 2.927 tỉ đồng. Số hàng này được nhập từ 16 chủ hàng có địa chỉ tại các nước Mỹ, UAE, Singapore, Hong Kong… Huy luôn là người quyết định việc chi tiền, tìm kiếm, giao dịch, làm việc với các đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài để đặt vấn đề mua hàng. Huy cũng trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên dưới quyền giao dịch với các nhà cung cấp để thỏa thuận về giá cả, số lượng, hình thức thanh toán, giao hàng.

Sau khi mua hàng, Huy không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch mà chỉ bỏ ra số tiền hơn 72,9 tỉ đồng để thuê vận chuyển hàng trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.

Hàng lậu được Bùi Quang Huy thuê chín đường dây vận chuyển từ Hong Kong về Việt Nam bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài, đường biển qua cảng Hải Phòng, đường bộ qua khu vực biên giới Việt - Trung tại tỉnh Lạng Sơn và TP Móng Cái, Quảng Ninh. Đơn cử, chỉ tính riêng một nhánh vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không, từ tháng 1-2016 đến tháng 11-2017, nhân viên Công ty Nhật Cường đã vận chuyển trái phép 322 đơn hàng với 40.000 sản phẩm, tổng giá trị 549 tỉ đồng từ Hong Kong về Việt Nam qua sân bay Nội Bài. Sau khi hàng về tới Hà Nội, Huy chỉ đạo các nhân viên đưa về kho của Công ty Nhật Cường tại số 39 Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cuối cùng, hàng lậu được phân phối tới các cửa hàng thuộc hệ thống công ty để tiêu thụ.

Cơ quan điều tra kết luận Công ty Nhật Cường đã tiêu thụ 254.364 sản phẩm, thu được tổng số tiền hơn 3.213 tỉ đồng, qua đó hưởng lợi hơn 221 tỉ đồng. Đặc biệt, Bùi Quang Huy cùng các đồng phạm đã thông qua hai tiệm vàng tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để chuyển hơn 2.000 tỉ đồng thanh toán cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và tiền công vận chuyển. Tuy nhiên, do hai chủ tiệm vàng đều không thừa nhận việc chuyển tiền ra nước ngoài, Huy lại đang bỏ trốn nên công an sẽ tiếp tục điều tra và xử lý sau.

Tách vụ án vi phạm quy định về đấu thầu xử lý sau

Cũng liên quan đến Công ty Nhật Cường, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã ra quyết định tách vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội và một số đơn vị để điều tra, xử lý sau.

Vụ án này cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam một loạt cựu lãnh đạo các sở, ban, ngành của UBND TP Hà Nội, trong đó có ông Nguyễn Tiến Học, Nguyễn Văn Tứ (hai cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT), bà Phạm Thị Kim Tuyến (cựu trưởng Phòng đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT), Phạm Thị Thu Hường (cựu chánh văn phòng Sở KH&ĐT). Ngoài ra còn có Lê Duy Tuấn (giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh), Võ Việt Hùng (giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh). Bùi Quang Huy cũng bị khởi tố về tội danh trên.

Theo tìm hiểu, tháng 12-2016, Sở KH&ĐT TP Hà Nội phê duyệt kế hoạch đấu thầu gói thầu “Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, Sở KH&ĐT TP Hà Nội năm 2016”, trị giá 42,9 tỉ đồng. Kết quả liên danh Công ty Nhật Cường và Công ty Đông Kinh trúng thầu và thực hiện gói thầu.  

Biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch”

Từ tháng 6-2012, Bùi Quang Huy thành lập bộ phận phần mềm thuộc Công ty Nhật Cường, giao cho Võ Minh Hiếu làm trưởng bộ phận. Tiếp đó, tháng 1-2016, Huy thành lập Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software), giao cho Võ Minh Hiếu làm giám đốc.

Bộ phận phần mềm thuộc Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software sử dụng nguồn tiền từ các hoạt động của Công ty Nhật Cường để xây dựng một số phần mềm công nghệ thông tin nhằm mục đích bán cho các đơn vị, tổ chức kinh tế sử dụng.

Theo cơ quan điều tra, hành vi sử dụng nguồn tiền có được từ buôn lậu sang đầu tư, kinh doanh hợp pháp (viết phần mềm để bán, mua ô tô, nhà ở…) nhằm biến dòng tiền trở thành hợp pháp của Bùi Quang Huy có dấu hiệu của tội rửa tiền.

Đến nay, cơ quan CSĐT đã khởi tố đối với Huy về tội rửa tiền nhưng do bị can đã bỏ trốn nên công an quyết định tạm đình chỉ điều tra, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Theo tìm hiểu, Nhật Cường Software - một trong những nguồn để Bùi Quang Huy rửa tiền, được nhiều người biết đến khoảng vài năm trở lại đây khi trúng thầu một loạt dự án công trực tuyến của TP Hà Nội như cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, đặc biệt là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông ba cấp...

Ngoài ra, một kênh khác để ông chủ Công ty Nhật Cường “hô biến” từ “tiền bẩn” sang “tiền sạch” chính là việc thành lập Công ty Nhật Cường Chi nhánh Quảng Châu (có trụ sở tại Quảng Châu, Trung Quốc).

Chi nhánh này được Bùi Quang Huy giao cho Trần Tất Khoa làm giám đốc, có nhiệm vụ tiếp nhận hàng lậu do các đối tượng vận chuyển từ Hong Kong về Quảng Châu, sau đó kiểm đếm, đóng gói rồi vận chuyển về khu vực biên giới Việt - Trung và tìm cách đưa trái phép vào Việt Nam.

Thông qua Nhật Cường Quảng Châu, số điện thoại và thiết bị điện tử nhập lậu được tuồn về Việt Nam lên tới hơn 33.000 sản phẩm với tổng giá trị gần 450 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm