Thu hồi đất: Không chỉ dựa vào “đơn giá, định mức”

(PLO)- Các đại biểu nêu nhiều băn khoăn về nguyên tắc, phương pháp định giá đất vì dự thảo luật không đưa vào.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 9-6, Quốc hội (QH) thảo luận tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Hai nội dung bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất và phương án định giá đất là những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu (ĐB) QH…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (phải) nêu ý kiến tại thảo luận tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (phải) nêu ý kiến tại thảo luận tổ về dự thảo Luật Đất đai
(sửa đổi). Ảnh: PHẠM THẮNG

Định nghĩa lại “bằng và tốt hơn” khi tái định cư

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị cần định nghĩa lại cụm từ “thế nào là bằng và tốt hơn” khi tái định cư cho người dân để có cách tiếp cận mới trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

“Có lẽ câu này là câu nhức nhối nhất, tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản và nó mở ra cách tiếp cận hoàn toàn mới trong công tác GPMB” - ông nói.

Ông nêu: Cách làm hiện nay là HĐND tỉnh sẽ ban hành một bảng giá đất, sau đó khảo sát cây cối, nhà cửa..., từ đó ra một bảng “đơn giá, định mức” để bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất của người dân.

Chính việc này đã dẫn đến hàng loạt bất cập trong thực tế như người 80 tuổi vẫn phải chuyển đổi nghề; tổng số tiền bồi thường nhà cũ không mua được chỗ ở mới… “Nơi ở không chỉ là ngôi nhà mà còn là không gian sống, không gian văn hóa của người dân. Nếu chỉ căn cứ “đơn giá, định mức” để đưa vào khu tái định cư sẽ khiến cuộc sống của người dân đảo lộn hết cả” - ông Hoan nhấn mạnh.

“Tất cả định giá đất dự thảo luật bỏ đâu hết rồi, bảo giao Chính phủ quy định trong nghị định thì làm sao QH yên tâm thông qua?”

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ

Ông cũng cho rằng “chừng nào thu hồi đất còn tư duy mua bán, lúc đó còn thất bại” và đây chính là nguyên nhân khiến hàng loạt dự án đầu tư công gặp vướng mắc. Do đó, cần phải khảo sát kỹ về xã hội học, thu nhập, điều kiện sức khỏe, văn hóa…, đồng thời Nhà nước cũng cần chia sẻ một phần lợi ích từ phần chênh lệch địa tô để bù đắp cho người dân khi GPMB, tái định cư. “Đây không phải chỉ là thu hồi đất, mà đây là vấn đề chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nếu mà xuôi cái này, tôi đảm bảo đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ…” - ông nhấn mạnh.

Cần xin ý kiến người dân

Về các trường hợp phải thu hồi đất, dự thảo luật quy định trên 30 trường hợp, chưa chắc đã đầy đủ. Vì vậy nên quy định tiêu chí, làm rõ nội hàm về phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng như thế nào, phải nghiên cứu có hành lang pháp lý cho chuẩn khi liệt kê các trường hợp và theo nhóm thu hồi.

Với quy định “thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành tái định cư” là chưa hợp lý, bởi có thể tái định cư bằng nhà hoặc tiền. Có trường hợp xây nhà tái định cư xong, dân đến xem nhưng lại đổi ý lấy tiền, dẫn đến tình trạng không ít nhà tái định cư xây xong để không hơn 10 năm, rất lãng phí. Do vậy, nên xin ý kiến người dân ngay trong lúc điều tra thực hiện dự án.

ĐB NGUYỄN NGỌC TUẤN, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội

Cùng nội dung này, ĐB Trương Trọng Nghĩa

(TP.HCM) cho rằng giá bồi thường không phải là yếu tố quyết định để cuộc sống của người dân ở khu tái định cư “bằng hoặc tốt hơn” nơi ở cũ.

“Trong BLDS cho phép bồi thường, bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần thì ở đây cũng phải tính đến bồi thường tinh thần là bao nhiêu cho chuyện người ta phải di dời nhà cửa, cây trái, kỷ niệm… Chưa nói tới bà con dân tộc thiểu số, điều này còn hệ trọng hơn. Ví dụ, những nghĩa địa ở trong rừng với họ là vùng đất thiêng” - ông Nghĩa nói.

Làm rõ hơn nội dung này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh giải thích cuộc sống của người dân sau khi tái định cư phải đảm bảo bằng và tốt hơn nơi ở cũ, nghĩa là “bằng và tốt hơn” không chỉ về hạ tầng kỹ thuật mà còn là hạ tầng xã hội, sản xuất và sinh kế cho người dân.

Dẫn thực tế có nhiều khu tái định cư dân không ở vì không gắn với cuộc sống, văn hóa của người dân, ông Khánh cho hay dự thảo luật đã nghiên cứu, quy định nguyên tắc khung cho vấn đề bồi thường, tái định cư và phân cấp cho địa phương thực hiện để giải quyết vấn đề này. Trong đó, địa phương có sự chủ động trong việc giải quyết bồi thường, tái định cư đúng với nguyện vọng của người dân.

““Bằng và hơn” không chỉ là về điều kiện hạ tầng kỹ thuật mà còn là sinh kế, văn hóa, phong tục, tập quán của người dân. Tôi lấy ví dụ ở trên miền núi, đồng bào Mông thích sống trên cao lại tái định cư ở chỗ thấp, những điều này ngược với mong muốn, phong tục, bản sắc văn hóa của họ” - ông nói.

Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Thảo luận tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với ý kiến của nhiều ĐBQH về việc cần rà soát lại các quy định liên quan phân cấp, phân quyền, bởi thực tế đang rất vướng và chính quy trình nhiều bước, nhiều cấp này đang làm lãng phí thời gian, nguồn lực và cơ hội.

“Phân cấp, phân quyền phải được quy định trong luật thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới làm được. Việc này phải đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao khả năng thực thi của đơn vị được phân cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu không tăng cường kiểm tra, giám sát có khi lại đi chệch hướng, không đi đúng mục tiêu” - Thủ tướng nói.

Dẫn chứng một số tỉnh, thành khi được xem xét cơ chế, chính sách đặc thù đều đề xuất việc phân cấp cần mạnh và rõ ràng hơn, chứng tỏ ở đây có những vướng mắc từ thực tiễn. Vậy nên, người đứng đầu hệ thống hành chính nhà nước đề nghị các ĐBQH ủng hộ phân cấp, phân quyền phù hợp với trình độ quản lý của từng cấp và có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ trung ương tới địa phương.

Định giá đất, cần cụ thể ngay trong luật

Góp ý về phương án định giá đất, ĐB Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) cho rằng việc định giá đất tùy thuộc từng loại đất cụ thể và cần cơ chế định giá một cách khoa học, minh bạch. Ví dụ như giá đất để ở khác với giá của đất gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Dự thảo cần đưa ra phương pháp định giá đảm bảo tính ổn định tương đối trong một thời gian nhất định để doanh nghiệp, người dân có thể xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp nào không sản xuất, kinh doanh mà có tư tưởng đầu cơ thì phải thu hồi” - ông Thắng nhấn mạnh.

Cùng nội dung, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ chỉ rõ: Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương với yêu cầu rõ phải có phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, đối chiếu dự thảo luật trình QH kỳ họp này thì luật không quy định cụ thể mà giao Chính phủ quy định chi tiết về phương pháp định giá đất. “Các đồng chí đọc lại điều khoản về giá đất. Quy định như thế này thì QH khó thảo luận” - Chủ tịch QH nói.

Theo ông Huệ, vấn đề khó nhất trong sửa đổi Luật Đất đai lần này là tài chính đất đai. Mà tài chính đất đai thì khó nhất là giá đất. Vậy nên dự thảo luật cần quy định cụ thể các nguyên tắc cũng như phương pháp định giá đất để QH cho ý kiến.

Chủ tịch QH lấy ví dụ việc xây dựng dự thảo nghị quyết mới về cơ chế đặc thù cho TP.HCM thì địa phương thụ hưởng đề xuất cho phép áp dụng phương pháp hệ số K để tính giá đất vì “phương pháp này minh bạch, dễ làm”. Và như thế, QH kỳ họp này khi thảo luận về dự thảo nghị quyết cho TP.HCM sẽ thảo luận, quyết định cụ thể về phương pháp định giá đất này.

Thế nhưng đối chiếu vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì không thấy nên ông đặt câu hỏi: “Tất cả định giá đất dự thảo luật bỏ đâu hết rồi, bảo giao Chính phủ quy định trong nghị định thì làm sao QH yên tâm thông qua?”.

Với phân tích như vậy, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nói: “Quan điểm của chúng tôi là Chính phủ đưa vào dự thảo luật, không sợ dài, quy định rõ nguyên tắc, phương pháp. Trí tuệ của toàn dân, QH và cả xã hội chắc chắn đóng góp tốt hơn. Còn hơn sau đó Chính phủ vất vả đi làm việc này”.

Liên quan nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay định giá đất là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, định giá như thế nào cho phù hợp là vấn đề khó.

Theo Thủ tướng, việc định giá đất phải cân đối, cần có công cụ của Nhà nước để thị trường phát triển lành mạnh nhưng không tạo nên xáo trộn, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi phải nhường đất để triển khai các dự án.

“Cái này là khó. Không lượng hóa ra được sẽ dễ dẫn đến không bám sát thực tế và tùy tiện, dẫn đến sai” - Thủ tướng nói.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm