Thu hút FDI vào Việt Nam khá tích cực nhưng đối mặt với 4 thách thức

(PLO)- Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra những thách thức có thể tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI vào Việt Nam năm nay và năm 2024.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng năm 2023 (gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 18,15 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về giải ngân, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm nay ước đạt 13,1 tỉ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu về thu hút vốn FED với tổng số vốn đầu tư đạt 10,75 tỉ USD, chiếm 82,1% tổng FDI thực hiện. Tiếp đến ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 863,5 triệu USD, chiếm 6,6%. Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 625,9 triệu USD, chiếm 4,8%.

Mặc dù số liệu về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá tích cực, các chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu kinh tế của ngân hàng MSB cũng chỉ ra nhiều thách thức có thể tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI vào Việt Nam năm nay và năm 2024.

Trước hết, bất ổn kinh tế toàn cầu trong năm 2023 khiến tình hình phục hồi chậm lại. Các quốc gia như Mỹ, EU, Nhật Bản, những đối tác thương mại và nhà đầu tư FDI chính của Việt Nam, được dự báo sẽ suy thoái vào năm 2024. Nửa đầu năm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với nhu cầu quốc tế sụt giảm đáng kể, khiến quy mô sản xuất bị thu hẹp.

Thứ hai, các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng. Đây là hiện tượng mới khởi nguồn từ đại dịch và được gọi là “đầu tư lân cận”. Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản - nằm trong nhóm những nguồn FDI lớn nhất của Việt Nam, Mỹ và một số nước trong EU, đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba là chương trình thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó đề cập đến đề xuất thiết lập mức thuế tối thiểu cho các tập đoàn đa quốc gia (MNC) trên toàn thế giới. Mục tiêu là ngăn chặn các MNC tham gia vào các chiến lược lập kế hoạch thuế cực đoan, chẳng hạn như chuyển dịch lợi nhuận, giảm thiểu nghĩa vụ thuế của họ.

Thứ tư, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài từ khu vực như Thái Lan và Malaysia với nguồn lực tốt hơn, giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài các nguyên nhân khách quan, để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các khu vực, các nước.

Việt Nam cần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các chính sách và thực tiễn đầu tư. Chính phủ có thể hiện thực hóa điều này bằng cách thiết lập các quy tắc và quy định rõ ràng và nhất quán, và thực thi chúng một cách công bằng và đồng nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới