Trả lời phỏng vấn Hãng tin CNBC, ông Saurabh Agarwal, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Quỹ Warburg Pincus cho biết, khi Mỹ cắt giảm lãi suất, tăng trưởng GDP các nước Đông Nam Á sẽ đạt từ 6-7% trong các năm tới.
Bởi vì lãi suất cao tại Mỹ đã khiến giới đầu tư rút tiền khỏi các thị trường mới nổi như khu vực Đông Nam Á đem về Mỹ tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn. Chênh lệch lãi suất giữa đồng đô la Mỹ và các loại tiền tệ khu vực Đông Nam Á cũng tạo ra rủi ro về mặt tỉ giá cho giới đầu tư.
Do đó, khi Mỹ cắt giảm lãi suất, tác động tiêu cực như trên giảm, khiến giới đầu tư tự tin hơn đưa tiền quay trở lại các nước Đông Nam Á.
“Mỗi lần Hoa Kỳ tăng hoặc cắt giảm lãi suất, sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn chảy vào và ra khỏi thị trường Thái Lan. Khi lãi suất chính sách của Hoa Kỳ giảm xuống, điều này cũng đồng nghĩa đồng bath sẽ mạnh lên và ngược lại” - ông Pichai Naripthaphan, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan cho biết.
Tổ chức Fitch Ratings (Mỹ) cho biết, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ thực hiện một lần cắt giảm lãi suất nữa trước khi kết thúc năm 2024. Bước sang năm 2025, kỳ vọng Fed sẽ thực hiện 4 lần cắt giảm lãi suất.
Tại Hội nghị Nhà đầu tư 2024 tổ chức mới đây, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán Tập đoàn VinaCapital cho biết, việc cắt giảm lãi suất của Fed có thể tạo áp lực lên giá trị của đồng USD, điều này thường có lợi cho các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ đạt 6,5%.
Ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương và từng là Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Việt Nam, đánh giá Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi các chiến lược tăng trưởng kinh tế dài hạn vốn đã mang lại nhiều thành công trong 20 năm qua, bao gồm việc thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường thương mại quốc tế.