Các nhà khoa học đã thụ tinh thành công trứng của hai con tê giác trắng phương Bắc một năm sau khi con đực cuối cùng của loài chết năm 2018, hãng thông tấn DW đưa tin. Thành tựu này đã làm tăng hy vọng về việc cứu những động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Bảy quả trứng lấy từ hai con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng của thế giới đã được thụ tinh thành công trong phòng thí nghiệm hôm 26-8, các nhà khoa học công bố.
10 quả trứng đã được lấy từ hai con tê giác cái Najin và Fatu vào tuần trước ở Kenya. Tuy nhiên, chỉ có bảy trứng trong số đó phù hợp để thực hiện việc thụ tinh nhân tạo.
"Chúng tôi hy vọng một số trong số chúng sẽ phát triển thành phôi thai" - GS Cesare Galli, người sáng lập công ty hỗ trợ nhân giống Avantea của Ý, nói.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng tinh trùng đông lạnh thu được từ hai con tê giác trắng phương Bắc đực cuối cùng trước khi chúng chết.
Tê giác Sudan cùng với Najin và Fatu. Ảnh: DW
"Đây là bước quan trọng trong việc tạo ra những phôi thai có thể được đông lạnh. Sau đó, những phôi thai này sẽ được cấy vào tê giác trắng phương Nam để mang thai hộ" - các nhà khoa học cho biết.
Các bác sĩ thú y và chuyên gia động vật hoang dã đang hy vọng về việc sử dụng một con tê giác mẹ khác thay thế, vì tê giác Najin và Fatu không thể mang thai.
Sudan, con tê giác trắng phương Bắc đực cuối cùng của thế giới, đã được an tử vào năm ngoái sau khi các vấn đề sức khỏe liên quan đến tuổi tác bắt đầu trở nên tồi tệ hơn.
Sudan, con tê giác phương Bắc đực cuối cùng đã qua đời vào năm 2018. Ảnh: DW
Sudan là cha của Najin và ông ngoại của Fatu, hai con tê giác cuối cùng của loài tê giác trắng phương Bắc.
Nhóm các nhà khoa học tham gia cố gắng cứu loài tê giác hiện đang được lãnh đạo bởi Viện Nghiên cứu động vật hoang dã Leibniz ở Berlin và được Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức tài trợ.
Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một đàn ít nhất năm con tê giác trắng phương Bắc. Những con tê giác này có thể được thả trong môi trường sống tự nhiên của chúng ở châu Phi. Quá trình này có thể mất nhiều thập niên.
Các loài tê giác khác, bao gồm tê giác trắng phương Nam và tê giác đen thường bị những kẻ săn trộm động vật giết lấy sừng để bán ở châu Á.
Vào những năm 1970, Kenya là nơi sinh sống của khoảng 20.000 con tê giác. Sau nhiều thập niên bị săn trộm, số lượng tê giác hiện nay chỉ còn khoảng 650 con.