Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: 'Rất lo vì Đà Lạt cứ mưa là lụt'

(PLO)- TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đang tồn tại những vấn đề bất thường, mỗi khi mưa lớn là ngập lụt, sạt lở nên cần phải nghiên cứu, đánh giá cụ thể để có giải pháp lâu dài.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, cùng đoàn công tác đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng.

Hồ chứa nước Đông Thanh sạt trượt không phải do mưa

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết dự án hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Mục đích là xây dựng hồ chứa cung cấp nước tưới cho 700 ha đất canh tác cà phê, dâu tằm, hồ tiêu, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 7.500 dân cũng như cải tạo môi trường, cảnh quan phát triển du lịch... Dự án này có tổng mức đầu tư lên đến gần 500 tỉ đồng.

Đến tháng 7-2023, tại khu vực sườn đồi vai phải đập xuất hiện một số vết nứt rộng 20-30 cm ngang qua khu vực sản xuất, sinh sống của ba hộ dân. Các vết nứt phát triển rộng hơn từng ngày, có chỗ lên tới 50 cm. Vị trí sụt lún lớn nhất là 1,5 m đẫn đến xô nghiêng, nứt tường nhà, sạt lở mái taluy, sụt lún trên phạm vi gần 5,4 ha.

Đoàn khảo sát của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu khảo sát tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Ảnh: V.TÙNG
Đoàn khảo sát của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu khảo sát tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Ảnh: V.TÙNG

Ông Phúc cho biết trước tình hình sạt trượt, nứt gây nghiêm trọng, tỉnh chỉ đạo huyện Lâm Hà, xã Đông Thanh và chủ đầu tư công trình khẩn trương khắc phục hậu quả. Di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lâm Đồng và đơn vị thi công đã thực hiện được 11/15 mũi khoan để thăm dò để xác định được phạm vi của vũng trượt và sự dịch chuyển. “Ngay trong ngày 8-8 sẽ hoàn thành tiếp bốn mũi khoan thăm dò còn lại” - ông Phúc cho biết thêm.

Nhiều yếu tố mới tác động lên khối trượt cũ

Sau khi kiểm tra thực địa, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định tình trạng sụt lún ở hồ Đông Thanh không phải xuất phát từ nguyên nhân mưa nhiều vì ở khu vực này lượng mưa trong tháng 7 chỉ ở mức 200 mm.

Từ đầu năm đến nay, Lâm Đồng có 13 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 trận lốc xoáy, 7 vụ sạt lở… làm 9 người tử vong, 4 người bị thương, hư hỏng, thiệt hại 236 căn nhà, 336 ha cây trồng, cuốn trôi 1 ha ao cá, hơn 2.800 gia cầm, gia súc, làm hư hỏng 7 cầu dân sinh, 2 điểm trường, 4 công trình thủy lợi, sạt lở 230 m đường giao thông. Ước tính tổng giá trị thiệt hại lên đến trên 70 tỉ đồng.

Trong đó, đặc biệt vào tháng 6 và 7-2023, do lượng mưa lớn gây sạt lở khá nghiêm trọng ở TP Đà Lạt làm 2 người chết, một điểm sạt lở taluy ở Bảo Lộc làm 1 người chết. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ sạt lở đất, ngã đổ cây rừng trên đèo Bảo Lộc làm 4 người hy sinh và tử vong, vùi lấp chốt CSGT đèo Bảo Lộc.

Theo ông Hiệp, nguyên nhân chính gây sạt trượt ở hồ Đông Thanh là do một khối trượt hiện hữu từ lâu và do một số tác động nên khối trượt này bắt đầu hoạt động, gây sạt lở.

Về giải pháp, ông Hiệp cho rằng việc đầu tiên cần làm chậm nhịp dịch chuyển của khối trượt bằng các biện pháp kỹ thuật. Muốn như vậy, tỉnh Lâm Đồng và các chuyên gia cần đánh giá hướng dịch chuyển cũng như phạm vi ảnh hưởng của khối trượt.

Trong khi đó, PGS-TS Lê Văn Hùng, nguyên giảng viên ĐH Thủy lợi, nhận định ở khu vực này nằm trên một khe tụ thủy, có dòng chảy rất lớn. Bình thường sẽ chảy xuống dưới nhưng có thể đổi hướng chảy đúng vào khối trượt. Bên cạnh đó đất đỏ bazan khi bão hòa mà lại có dòng chảy ngầm dẫn đến nguy cơ sạt lở rất cao.

“Trượt sâu là do bên trên là đất, bên dưới là tầng đá rất sâu nên phạm vi ảnh hưởng của khối này là tương đối lớn” - PGS-TS Lê Văn Hùng nói thêm.

Một nhà dân bị sạt lở tại khu vực hồ Đông Thanh. Ảnh: V.TÙNG
Một nhà dân bị sạt lở tại khu vực hồ Đông Thanh. Ảnh: V.TÙNG

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề ngập lụt ở TP Đà Lạt

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các loại hình thiên tai. Trong đó chủ yếu do mưa lớn liên tục kéo dài, kèm theo lốc xoáy, sạt lở đất.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết trong ba năm trở lại đây, TP Đà Lạt liên tục xảy ra ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, trong đó có những vụ rất nghiêm trọng.

Về tình trạng mưa ngập, sạt lở đất tại Đà Lạt, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết Bộ NN&PTNT rất quan tâm đến vấn đề này.

Theo ông Hiệp, TP Đà Lạt đang tồn tại những vấn đề bất thường, cần phải nghiên cứu, đánh giá cụ thể khi mà TP du lịch nổi tiếng này mỗi khi mưa lớn là ngập lụt, sạt lở đất.

“Điều này là không bình thường. Không thể để du khách có cảm giác bất an với Đà Lạt. Chúng ta cần phải thay đổi nhiều thứ liên quan đến hệ thống thoát nước, dẫn lũ để Đà Lạt thoát khỏi tình trạng tắc nghẽn như hiện nay” - ông Hiệp nói.

Trong khi đó, những diễn biến của biến đổi khí hậu hiện nay đều nghiêm trọng hơn kịch bản nghiêm trọng nhất đã xây dựng trước đó. TP Đà Lạt đang trong giai đoạn xây dựng lại quy hoạch nên rất cần phải dự phòng những tình huống cực đoan của biến đổi khí hậu trong quá trình xây dựng.

PGS-TS Nguyễn Châu Lân, giảng viên Trường ĐH GTVT:

Phải chú trọng các dòng chảy ngầm ở Lâm Đồng

Cường độ mưa lớn cũng sẽ dễ gây sạt trượt. Mưa trong bảy ngày liên tiếp tích lũy đủ lớn cũng có thể gây ra sạt trượt, đấy là liên quan đến tính chất bão hòa của đất.

Vùng đất Tây Nguyên có độ dốc của mái là tương đối cao, lượng mưa trên bề mặt, dòng thấm ngầm trong chính bản thân mái dốc. Ví dụ như đèo Bảo Lộc, có một dòng ngầm, liên quan đến địa chất thủy văn. Bởi cách đèo Bảo Lộc có một cái thác, cái thác đó nó cũng chảy vào mái dốc, lượng mưa sẽ là yếu tố kích hoạt cho sạt trượt.

Ngoài ra, ở vị trí của đèo Bảo Lộc, bên trên là tầng phủ dày khoảng 2-3 m, dưới là tầng tán, gần mép đường là tầng phủ sâu hơn dẫn đến máng trượt trượt luôn theo tầng phủ. Vị trí đồn công an (chốt CSGT đèo Bảo Lộc - PV) nằm ở mép, dù máng trượt ở vị trí đó không lớn, chỉ 25 m.

Còn hai hồ đập ở Đông Thanh, một hồ mái dốc cao khoảng 30 m, hồ còn lại 50 m. Những hồ này sẽ liên quan đến tính chất của đất bazan, khi lượng mưa bão hòa đất bazan gây sạt trượt rất nhanh. Như vậy trong thiết kế thi công phải luôn tính đến vấn đề ổn định. Cái chính vẫn là có các dòng ngầm chảy vào trong mái dốc chứ không phải nguyên do chính là mưa.

Vấn đề là ở Tây Nguyên là không chỗ nào giống chỗ nào, nó chỉ có một đặc điểm chung là đất bazan, đặc điểm riêng thì phải căn cứ vào địa hình, địa chất, liên quan đến dòng nước.

Khi làm các đường trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng phải chú ý đến vấn đề dòng chảy, đảm bảo không có các dòng chảy ngầm thấm vào dưới chân.

Về rừng, trong công tác tính toán về kỹ thuật ổn định của mái dốc thì khi có rừng, rễ cây sâu có tác dụng tăng sự ổn định cho mái dốc. Mất rừng đương nhiên có ảnh hưởng. Công tác tưới cà phê, tưới hồ tiêu tưới trực tiếp lên mái dốc cũng sẽ ảnh hưởng lên mái dốc đó.

Việc phá rừng đương nhiên sẽ gây ra các dòng chảy mặt lớn làm ảnh hưởng đến việc sạt trượt nhưng đó không phải là tất cả.

Về thiết kế, tính toán khi thi công các công trình, cần xem xét dưới mái dốc có dân cư không để di dời khi cần, đặc biệt chú ý đến thông tin địa chất, ngoài ra vấn đề chính vẫn là thoát nước. Trong công tác xây dựng, thiết kế, thi công phải quan tâm đến vấn đề thoát nước mặt, nước ngầm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm