Thứ trưởng Bộ Tài chính: Muốn đi xa, chơi lớn thì phải minh bạch

(PLO)- Bộ Tài chính đang sửa đổi quy định buộc các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường phải có bước đi công bố thông tin trên thị trường bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, một trong những tiêu chí để nâng hạng thị trường, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Vậy giải pháp triển khai là gì? Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết:

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: “Nâng hạng thị trường cần đến sự phối hợp của tất cả các bên”
Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính - Ảnh: Ngọc Diệp

Nâng hạng thị trường không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ của Bộ Tài chính hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mà là của chung tất cả chúng ta, của tất cả các thành viên, các bên tham gia thị trường.

Thị trường chứng khoán được nâng hạng sẽ là điều kiện, động lực rất tốt để Việt Nam phát triển thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, chủ thể tham gia thị trường tiếp cận vốn cả trong, ngoài nước. Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong thu hút nguồn lực đầu tư.

Triển khai nhiệm vụ này, chúng tôi thấy Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không thể một mình mà phải huy động tất cả các bên chung tay.

Từ việc cải thiện điều kiện ký quỹ giao dịch, cải thiện về công bố, minh bạch thông tin, cải thiện các yêu cầu về công nghệ, hay tăng cường khả năng giám sát... đều cần sự tham gia tích cực của các thành viên, các chủ thể tham gia thị trường.

. Trong báo cáo mới nhất, tổ chức xếp hạng thị trường MSCI Global có đánh giá tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng cũng chỉ ra 8 tiêu chí cần tiếp tục cải thiện. Vậy giải pháp của chúng ta là gì?

+Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Chúng tôi đang phối hợp với các thành viên thị trường, các doanh nghiệp và các chủ thể khác để rà soát thể chế.

Chẳng hạn với các quy định có tính chất hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì thể chế cần có những bước đi phù hợp với trình độ phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam để cải thiện, tạo điều kiện để nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài tham gia thuận lợi hơn. Chúng tôi đang rất tích cực xử lý công việc này.

Với vấn đề minh bạch thông tin trên thị trường, chúng tôi đang sửa đổi quy định yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường phải có bước đi khẩn trương để thực hiện công bố thông tin trên thị trường bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước tiếp cận thông tin thuận lợi hơn...

Những tiêu chí này được cải thiện sẽ làm tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu của thị trường mới nổi.

.Giải pháp cụ thể của Bộ Tài chính là gì?

+Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Chúng tôi đã có những điều chỉnh phù hợp với chính sách phí và lệ phí.

Định hướng là khi quy mô của thị trường lớn hơn, các chính sách phí và lệ phí ưu đãi sẽ ở mức cao hơn để nhà đầu tư và doanh nghiệp có sự hấp dẫn trong việc tham gia trên thị trường.

Thủ tục hành chính sẽ tiếp tục được tinh giản, đồng thời giảm các chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư tham gia thị trường.

. Ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý và công ty chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết cần có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

+Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Các doanh nghiệp niêm yết phải có những sự chuẩn bị cho việc minh bạch hóa thông tin, công bố thông tin song ngữ, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Việc hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam không phải hôm nay chúng ta mới nói tới mà đã đề cập nhiều lần, qua các kênh thông tin chính thống cũng như các cuộc hội thảo, trao đổi giữa Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên thị trường với doanh nghiệp niêm yết.

Bản thân các doanh nghiệp niêm yết cũng phải cùng cơ quan quản lý tham gia vào quá trình hướng đến nâng hạng thị trường. Họ tham gia không phải chỉ vì lợi ích của nhà đầu tư hay thị trường mà trước tiên bởi lợi ích của chính mình.

Muốn đi dài, đi xa, chơi lớn thì chúng ta phải minh bạch. Chúng ta phải coi thông tin chuẩn xác là đương nhiên, là ý thức của doanh nghiệp, trừ trường hợp bất khả kháng.

Cơ quan quản lý đã có quy chuẩn, yêu cầu về công bố thông tin. Vậy chúng ta phải cùng nhau giám sát. Cơ quan quản lý, vận hành giám sát, nhà đầu tư giám sát, cơ quan báo chí giám sát, phát hiện trường hợp vi phạm từ đó xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Chúng ta phải làm kiên quyết, không ngừng nghỉ cho vấn đề này vì thị trường không bao giờ nghỉ.

. Cám ơn ông!

Thị trường chứng khoán của các quốc gia được phân theo 04 nhóm: Thị trường Phát triển (Developed Markets), có độ mở lớn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài; Thị trường Mới nổi (Emerging Markets); Thị trường Cận biên (Frontier Markets); Thị trường Không đủ điều kiện để được phân loại.

Việc phân loại này được tiến hành hàng năm, bởi các tổ chức xếp hạng thị trường lớn như FTSE Russell, MSCI, S&P, Dow Jones. Các báo cáo xếp hạng thị trường này đưa ra những đánh giá có giá trị tham khảo cao cho nhà đầu tư toàn cầu.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện thuộc nhóm Thị trường Mới nổi theo phân hạng của FTSE Russell.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm