Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nhà đứng tên Phan Văn Anh Vũ ở Đà Nẵng chỉ 11 tỉ đồng, đấu giá 10 lần chưa ai mua

(PLO)- Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc thi hành án, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-9, Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 14, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án 2024.

Một trong những nội dung được quan tâm liên quan đến việc xử lý tài sản, thu hồi tiền cho Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Tỷ lệ thi hành án xong về tiền thấp

Tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ khẳng định đã tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp cụ thể, linh hoạt nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản, thu hồi tiền cho Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

“Bộ Tư pháp đã trao đổi, phối hợp với VKSND Tối cao, Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành liên quan và cấp ủy, địa phương kịp thời hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự (THADS), các cơ quan chức năng có liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành từng vụ việc cụ thể”- báo cáo nêu.

Theo số liệu chưa đầy đủ, năm 2024, tổng số phải thi hành là 6.750 việc, tăng 2.210 việc (gần 49%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số có điều kiện thi hành là 5.215 việc (chiếm hơn 77%); kết quả đã thi hành xong 3.015 việc.

Về tiền, tổng số phải thi hành trên 95.570 tỉ đồng, số có điều kiện thi hành trên 50.580 tỉ đồng (chiếm gần 53%). Kết quả đã thi hành xong trên 12.156 tỉ đồng.

Pho-Chu-nhiem-Uy-ban-Tu-phap-Do-Duc-Hong-Ha.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà.

Về nội dung này, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đánh giá Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS. Dù vậy, nhóm nghiên cứu lưu ý tỷ lệ thi hành án xong về tiền đạt thấp (chỉ gần 32%), lượng án có điều kiện thi hành tồn đọng chuyển kỳ sau còn ở mức cao.

“Việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng tăng về việc nhưng lại giảm mạnh về số tiền thu được so với cùng kỳ năm 2023”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, đại diện nhóm nghiên cứu, cho hay.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn cho rằng tình trạng vi phạm trong việc xác minh điều kiện thi hành án, phân loại án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, xử lý tài sản, vật chứng và quản lý, xử lý tiền, tài sản thi hành án kéo dài qua nhiều năm, chậm được khắc phục, nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải xử lý hình sự.

Bình quân phải xử lý 430 tài sản/vụ

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã dành thời gian lý giải nguyên nhân thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng giảm mạnh về tiền so với năm trước.

Ông Mai Lương Khôi khẳng định Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc thi hành án, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. “Tài sản nào đủ điều kiện, đủ cơ sở pháp lý để xử lý thì đều tập trung giải quyết dứt điểm”- Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho hay.

Dù vậy, theo ông, rất nhiều tài sản trong các vụ việc đang tập trung xử lý còn vướng mắc.

thứ trưởng bộ tư pháp
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi. Ảnh: PHẠM THẮNG

Dẫn chứng, ông Mai Lương Khôi nêu rất khó khăn khi xử lý tài sản là đất có công trình xây dựng trái phép; nhiều thửa đất không xác định được ranh giới, giấy chứng nhận thì cấp trùng lắp….

“Trường hợp nhà số 31 Phạm Hồng Thái (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đứng tên Phan Văn Anh Vũ chỉ 11 tỉ đồng mà tổ chức bán đấu giá tới 10 lần vẫn chưa ai mua”- Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho hay.

Lý giải về những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho hay tài sản phải xử lý trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thường có số lượng rất lớn, chủng loại đa dạng, ở nhiều địa phương khác nhau, tính chất pháp lý phức tạp, nhiều trường hợp chưa đủ thông tin, cơ sở pháp lý nên việc xử lý mất nhiều thời gian.

Báo cáo cho hay chỉ tính riêng 81 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi đang tổ chức thi hành, đã có trên 3.500 tài sản phải xử lý, trong đó 1.226 tài sản là quyền sử dụng đất. Như vậy, trung bình phải xử lý 430 tài sản trong 1 vụ.

Trong khi đó, pháp luật hiện hành chưa có quy định đặc thù trong xử lý tài sản để thu hồi cho Nhà nước; quy trình thủ tục thi hành án dân sự chưa bảo đảm tính đơn giản, hiệu quả.

Các tài sản trước khi đưa ra đấu giá phải được VKSND kiểm sát trực tiếp

Tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị VKSND Tối cao chỉ đạo VKSND các cấp tăng cường kiểm sát quá trình tổ chức thi hành án, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Theo đó, Chính phủ đề nghị tất cả các tài sản trước khi đưa ra bán đấu giá phải được VKSND kiểm sát trực tiếp và có kết luận kiểm sát. Việc này nhằm kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình tổ chức thi hành đối với các vụ việc này.

Ngoài ra, Chính phủ kiến nghị tăng cường thực hiện, hướng dẫn thực hiện tương trợ tư pháp trong hình sự ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, bảo đảm kịp thời thu hồi tài sản phạm tội tẩu tán ở nước ngoài…

Chính phủ cũng khẳng định sẽ phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ THA.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm