“Không ai giống ai”
Bà Bình An dẫn chứng: Cùng một thủ tục, có nơi đòi giấy ủy quyền, có nơi đòi giấy cam kết dù trong quy định không đòi vậy. Có DN phản ứng khi bị đòi thêm giấy tờ, có DN im lặng làm cho xong cho rồi. Có DN nghĩ rằng cùng thủ tục đấy nên chuẩn bị đúng hồ sơ đấy, thế nhưng đi tỉnh khác làm thì không được, phải chạy về TP.HCM bổ sung giấy tờ, quay đi quay về mất công.
Tương tự, nhiều DN cũng than phiền thủ tục ở các nơi đang rất khác nhau. Ông Phạm Văn Bình (Công ty New Island, quận 1) cho biết có đến ba công văn của Tổng cục Hải quan khẳng định không cần đóng dấu lên tờ khai nữa. Thế nhưng Cục Hải quan các tỉnh xử lý không thống nhất. DN nộp tờ khai ở tỉnh Sóc Trăng, nơi này nói không cần đóng dấu. Đem tờ khai lên TP.HCM thì hải quan ở đây hỏi sao không có dấu, về Sóc Trăng đóng lại dấu đem lên đây!
Doanh nghiệp đang làm thủ tục hải quan tại TP.HCM. Ảnh: Hữu Luận
Đẩy tốn kém cho DN
Bà Bình An cũng nhận xét có quá nhiều thông tin bắt DN phải khai, do mã hóa nhiều nên nhân viên khai phải soi đi soi lại cho chính xác, rất mất thời gian. Đã thế, khai quá nhiều tờ khai khiến nhiều lãnh đạo DN phải ký tờ khai cả ngày. Ngoài ra, khi gặp trục trặc thì rất khó khắc phục, trong khi DN cần giải quyết ngay thì mất ít nhất 24 giờ sau mới khôi phục được.
Các trục trặc, các bất hợp lý trong thủ tục hải quan trở thành gánh nặng chi phí và công sức cho DN. Ông Phan Vinh Quang, Trưởng nhóm Pháp lý, Thể chế và Năng lực cạnh tranh (Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện - USAID GIG), kể rằng khi ông đi thăm một DN, DN này bị trục trặc ở khâu hải quan điện tử nên phải đóng cửa một tuần, thiệt hại khá nhiều. Chỉ riêng chuyện không đưa tàu vào được cảng thì mỗi ngày DN bị phạt 1.000 USD.
Một DN phản ánh thủ tục hải quan kéo dài, khi nào cũng đông, nhân viên hải quan giải quyết không xuể khiến DN phải chờ. Đến khi giải quyết xong thủ tục thì DN bị tính thêm tiền lưu kho sáu tiếng đồng hồ, mất gần 1 triệu đồng, mà đâu phải lỗi DN làm chậm, làm lưu kho.
Nhiều DN cũng góp ý cần chỉnh sửa các quy định sao cho hồ sơ hải quan đồng bộ, không nên bắt DN khai đi khai lại cùng một thông tin, nộp quá nhiều hồ sơ trùng lặp mà cơ quan hải quan đã nhận trước đó. Ngoài ra còn phải đồng bộ các khâu có liên quan như nộp thuế, kho bạc, chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận chất lượng vì chỉ một ngành hải quan cải cách mà các ngành khác không cải cách kịp thì DN vẫn chịu thiệt thòi.
QUỲNH NHƯ
Thay đổi tư duy về cấp chứng nhận xuất xứ (CO) Trả lời DN về việc đòi DN nộp tờ khai hải quan khi cấp CO, ông Nguyễn Văn Giáp (nhân viên phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP.HCM - VCCI) cho biết VCCI không thể truy cập hệ thống hải quan điện tử nên không có thông tin về tờ khai hải quan của DN. Do đó DN phải nộp tờ khai, có đóng dấu hải quan trên đó để đảm bảo pháp lý thì VCCI mới cấp CO được. Khi nào hải quan và VCCI có thể liên thông qua hệ thống thì DN sẽ không cần nộp tờ khai cho VCCI nữa. Tuy nhiên, phản ứng với cách hành xử trên, ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký VLA, đề nghị: “VCCI hãy đổi mới tư duy, hãy để DN tự khai tự chịu trách nhiệm. Hiện nay thuế và hải quan cũng làm vậy. Tại sao VCCI không để DN tự khai tự chịu trách nhiệm trong việc xin cấp CO. Tốn kém thời gian xin cấp CO cũng là vấn đề đau đầu của các DN”. |