Nếu như trước đây, Luật CCCD 2014 quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ CCCD thì nay theo Luật Căn cước 2023, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
Ngoài ra, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu, tức là trẻ em vừa mới sinh ra cũng có thể được cấp thẻ căn cước.
Như vậy quy trình cấp thẻ căn cước cho cả người lớn và trẻ em có gì khác nhau?
Cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên
Trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM, cho biết trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho công dân được chia thành hai nhóm chính dựa theo độ tuổi. Với từng nhóm sẽ được quy định về trình tự, thủ tục riêng.
Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên, người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, CSDLQG, CSDL chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước; trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ căn cước trong CSDLQG về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào CSDL theo quy định.
Sau đó, người tiếp nhận cần phải thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước. Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước. Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước.
Sau đó, thẻ căn cước được trả theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Trẻ dưới 6 tuổi thực hiện qua cổng dịch vụ công
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải cũng cho biết, đối với trường hợp cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi thì trẻ hoặc người đại diện hợp pháp (có thể là cha hoặc mẹ…) được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước.
Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước được thực hiện như sau:
Trẻ từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học, thực hiện thủ tục giống như những người từ đủ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, trẻ phải đi cùng người đại diện hợp pháp để thực hiện thủ tục. Người đại diện hợp pháp của trẻ sẽ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.
Đối với trẻ dưới 6 tuổi, do cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học nên người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.
Trường hợp trẻ dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.
Ngoài ra, trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp hỗ trợ làm thủ tục theo quy định.
Người không có nơi thường trú, làm gì để được cấp căn cước từ 1-7?
Trước đây theo Luật CCCD năm 2014 thì chỉ những người có nơi thường trú mới được cấp CCCD nhưng từ ngày 1-7, Luật Căn cước có hiệu lực thì những người không đủ điều kiện đăng ký nơi thường trú, tạm trú vẫn được cấp căn cước.
Tuy nhiên, những người này phải được khai báo nơi ở hiện nay và được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó, người dân không có địa chỉ đăng ký nơi thường trú, tạm trú khi đến làm thủ tục cấp căn cước thì chỉ cần mang theo tờ thông báo nơi ở hiện nay do cơ quan công an cấp để đăng ký cấp căn cước. Hoặc nếu người dân không mang theo tờ thông báo thì chỉ cần khai báo tên, địa chỉ đăng ký nơi ở hiện nay và mã số định danh. Cán bộ công an tiếp nhận sẽ tra cứu và lấy dữ liệu trên hệ thống và giải quyết cấp căn cước cho người dân.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng PC06, Công an TP.HCM
(NGUYỄN HIỀN ghi)