Sáng 1-7, Công an TP.HCM đã đồng loạt tổ chức tuyên truyền, triển khai thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, tài khoản định danh điện tử theo quy định Luật Căn cước 2023.
Bắt buộc thu thập mống mắt; AND, giọng nói cung cấp tự nguyện
Tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (PC06), Công an TP.HCM, đơn vị này đã tổ chức lễ phát động triển khai Luật Căn cước.
Chia sẻ với PV, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng PC06, cho biết một trong những điểm mới của Luật Căn cước 2023 (có hiệu lực từ 1-7-2024) đó là việc thu thập sinh trắc mống mắt. Đây là việc thu thập bắt buộc khi thực hiện cấp căn cước cho công dân.
Cùng sinh trắc mống mắt thì sinh trắc ADN và giọng nói cũng là những nội dung sinh trắc sẽ thu nhập trong dữ liệu căn cước. Tuy nhiên đối với ADN, giọng nói thì những thông tin này sẽ do công dân tự nguyện cung cấp để thu nhận trong dữ liệu của công dân.
“Công an TP.HCM cũng như các đơn vị công an trong cả nước đã thực hiện Luật CCCD năm 2014, do đó chúng ta đã có tiền đề, sự chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện kỹ thuật,… để triển khai thực hiện Luật Căn cước 2023. Từ sự nỗ lực của Phòng PC06 chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện để mang hiệu quả tốt nhất khi triển khai Luật Căn cước 2023”- Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ.
Đến Phòng PC06 từ sáng sớm, anh Nguyễn Anh Tú, quận 1, TP.HCM, chia sẻ: "Trước khi đến làm thủ tục cấp căn cước, tôi đã đến một bệnh viện ở quận 10 để thực hiện xét nghiệm ADN. Sau khi có kết quả, hôm nay tôi mang đến đây để tích hợp vào dữ liệu căn cước.
Theo tôi, việc cập nhật ADN thì mỗi con người chỉ có một ADN và việc cập nhật dữ liệu này sẽ làm tăng tính bảo mật của cá nhân, không trùng lắp với người khác. Ngoài ra, nếu có những vấn đề cần xác nhận về cá nhân thì việc xác nhận ADN mang lại hiệu quả và an toàn cho công dân. Về quy trình tích hợp tôi thấy đơn giản không mất nhiều thời gian".
Bà Đặng Thị Châu (77 tuổi), ngụ tại Bình Chánh, TP.HCM chia sẻ: "CCCD tôi ghi sai địa chỉ, tôi canh đến ngày đầu làm căn cước đến đầu tiên để được cấp. Việc cấp căn cước dù có thu thập theo mống mắt nhưng thủ tục cũng đơn giản không có gì khó khăn".
Phụ huynh hào hứng đưa trẻ đi làm căn cước
Ghi nhận tại Công an TP Thủ Đức, sáng nay rất đông người dân đến để thực hiện cấp thẻ căn cước, trong đó có trẻ em dưới 14 tuổi.
Chia sẻ với PV, chị Lê Lựu, ngụ TP Thủ Đức cho biết khi hay tin trẻ em cũng được cấp căn cước chị đã cùng hai con nhỏ đến Công an TP Thủ Đức để làm thủ tục.
"Trước đây, khi đi máy bay hoặc thực hiện một số giao dịch hành chính cần phải có giấy khai sinh, mà giấy khai sinh này lại rất khó bảo quản, mang theo bất tiện. Việc cấp căn cước cho trẻ em mang đến nhiều lợi ích, nó có thể thay thế giấy khai sinh để đi máy bay, thực hiện các giao dịch..." - chị Lựu nói.
Trung tá Huỳnh Thị Cẩm, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Thủ Đức, TP.HCM, cho biết do có sự chuẩn bị trước, từ khâu bố trí ban đầu, hướng dẫn cán bộ hỗ trợ người dân nên sáng nay công tác cấp căn cước được diễn ra thuận lợi.
"Với những trường hợp từ đủ 6 đến 14 tuổi phải có người đại diện hợp pháp đi cùng để thực hiện thủ tục. Những trường hợp dưới 6 tuổi, cán bộ sẽ hướng dẫn thực hiện thủ tục trên Cổng dịch vụ công, bởi nhóm đối tượng này không thực hiện thu nhận nhân dạng, sinh trắc học, chụp ảnh" - Trung tá Huỳnh Thị Cẩm nói.
Bên cạnh đó, tại Công an TP Thủ Đức sáng nay cũng ghi nhận một trường hợp thực hiện thu nhận căn cước có tích hợp sinh trắc học ADN.
Cũng trong sáng nay, tại Công an quận Bình Tân ghi nhận 109 trường hợp đến thực thủ tục cấp căn cước, trong đó có 89 trường hợp người từ đủ 14 tuổi, sáu trường hợp từ đủ 6 đến 14 tuổi, 13 trường hợp dưới 6 tuổi, một trường hợp thực hiện cấp Giấy chứng nhận căn cước.
Một cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an quận Bình Tân cho biết số lượng người dân sáng nay đến làm thủ tục cấp căn cước tương đối đông và dự đoán sẽ tiếp tục duy trì trong những ngày tiếp theo. Do đó, các cán bộ cũng tăng cường làm việc từ 6 giờ sáng cho đến khi không còn người dân.
"Khác với việc cấp CCCD trước đây, thay vì chỉ cấp cho một nhóm đối tượng thì nay việc cấp căn cước được chia thành bốn nhóm, từ đủ 14 tuổi trở lên, từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, dưới 6 tuổi và cấp Giấy chứng nhận căn cước" - vị cán bộ nói.