Chiều 11-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Cắt giảm các thủ tục không cần thiết về đất đai, đầu tư
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng lưu ý trong thời gian tới Thanh Hóa cần tập trung thúc đẩy ba động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua tiếp cận đất đai, vốn, giải quyết thủ tục hành chính và tiếp cận thị trường.
Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh. Tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị.
Cạnh đó là hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt công suất thiết kế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đang triển khai. Thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Thanh Hóa cũng cần có giải pháp để thu hút mạnh các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao, sản xuất thông minh; tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu địa phương phải giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp; rà soát, kiên quyết cắt giảm, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường; khắc phục điểm nghẽn về mặt bằng, về hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch, cơ chế, chính sách... nhằm tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm…
Tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa – xã hội. Khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên và tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Cùng đó, đẩy mạnh quảng bá về du lịch lễ hội cũng như các sản phẩm về du lịch. Quan tâm phúc lợi xã hội đối với lao động khu công nghiệp, thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch. Sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2023 của Thanh Hóa ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. Chín tháng năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 7,72%. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.
Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 5,1 tỉ USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Giai đoạn 2021-2023, ước đón 26,5 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỉ đồng, tăng bình quân 32,5%/năm.
Đầu tư tuyến đường kết nối Thanh Hóa với các tỉnh Tây Bắc
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Thanh Hóa là cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng Cảng hàng không Thọ Xuân theo phương thức PPP.
Đồng thời, đồng ý về chủ trương đầu tư tuyến đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) với Quốc lộ 6 (huyện Tân Lạc, Hòa Bình). Đây là tuyến giao thông có ý nghĩa chiến lược kết nối Thanh Hóa và các tỉnh Tây Bắc, dài khoảng 89 km với tổng mức đầu tư là 3.500 tỉ đồng, trên tinh thần khẩn trương thực hiện các thủ tục để triển khai sớm.
Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý đầu tư dự án nạo vét luồng tàu vào cảng Nghi Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành vào cuộc để cùng Thanh Hóa giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, chủ động triển khai các giải pháp, cơ cấu lại các trường lớp theo nguyên tắc ở đâu có học sinh thì ở đó có giáo viên. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ con em vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn…
Ba nội dung tái cấu trúc với dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Cũng trong chương trình công tác tại Thanh Hóa, sáng 11-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm trong Khu kinh tế Nghi Sơn, trong đó có Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án liên doanh do bốn doanh nghiệp góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).
Với tổng mức vốn đầu tư khoảng 9 tỉ USD, Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án đầu tư vốn nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam; đi vào vận hành thương mại từ cuối năm 2018. Nhà máy có công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm với nguồn dầu thô từ Kuwait, cung ứng khoảng 35% nhu cầu xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, hiện hoạt động của Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang gặp nút thắt lớn khi được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, hạ tầng, bao tiêu sản phẩm, PVN phải bù lỗ khi nhà máy vận hành thương mại.
Theo báo cáo về tình hình tài chính (đã kiểm toán), Công ty vẫn lỗ lũy kế lớn, lợi nhuận trước thuế của những năm vừa qua (nhất là 2023) có cải thiện nhưng chưa tạo được chuyển biến đáng kể.
Sau khi chỉ ra những khó khăn cơ bản trong quá trình lập, triển khai và vận hành dự án, Thủ tướng nêu rõ ba nội dung tái cấu trúc với dự án này.
Thứ nhất, Công ty và các bên góp vốn phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khẩn trương thực hiện công tác tái cấu trúc công tác quản trị, nhân sự. Cụ thể, có thêm người Việt Nam tham gia ban lãnh đạo Công ty, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra, xây dựng quy trình vận hành hiệu quả và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Thứ hai, các bên liên quan tiến hành tái cấu trúc về tài chính, như giảm lãi suất vốn vay, xóa lãi và sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Thứ ba là tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh. Trong đó, sử dụng điện lưới quốc gia với chi phí thấp hơn thay vì phát điện chạy dầu với chi phí cao (theo tính toán sẽ tiết kiệm được khoảng 70 triệu USD). Giảm giá nguyên liệu dầu thô và đa dạng hóa các nguồn dầu thô; vận hành tiết kiệm, hiệu quả và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tiếp đó, Thủ tướng đã đi khảo sát Cảng biển Nghi Sơn và Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn; tới thăm, làm việc, cho ý kiến về một số đề xuất, kiến nghị của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực.
Thủ tướng cùng Đoàn công tác của Trung ương đã dâng hương, dâng hoa tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở TP Thanh Hóa.
Theo VGP