Thủ tướng: Đã có 560.000 tỉ đồng để chi cho cải cách tiền lương

(PLO)- Thủ tướng cho biết vừa qua chưa thực hiện được việc cải cách tiền lương nhưng đã cố gắng tăng thu giảm chi, hiện có 560.000 tỉ đồng để chi cho cải cách tiền lương từ 1-7 đến hết 2026.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 8-11, Thủ tướng đăng đàn chất vấn sau khi trình bày báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Chính phủ tại kỳ họp này.

Thí điểm nhiều có tạo kẻ hở cho tham nhũng chính sách?

ĐB Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) cho hay nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nói vui rằng nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ của thí điểm.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho rằng việc thực hiện thí điểm tuy có mặt tích cực là giúp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật. Song mặt khác lại tạo ra sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật, gây ra tâm lý bất ổn định, không bình đẳng trong thực thi pháp luật giữa các địa phương, giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật.

tham nhũng chính sách
ĐB Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội).

“Đề nghị Thủ tướng cho biết việc trình QH thông qua các nghị quyết về thực hiện thí điểm quá nhiều cơ chế, chính sách pháp luật như vừa qua có phải là biểu hiện của sự bất cập, thiếu chủ động trong tầm nhìn cũng như năng lực đề xuất xây dựng chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan hay không?” - bà Thuỷ hỏi.

ĐBQH đoàn Hà Nội cũng đặt vấn đề với các chính sách đang thực hiện thí điểm, nếu thấy có tác dụng hiệu quả tốt thì tại sao Chính phủ không khẩn trương xây dựng trình QH sửa đổi luật để áp dụng thống nhất. “Như vậy, liệu có tạo kẽ hở cho tham nhũng về chính sách hình thành cơ chế xin, cho hay không?”- ĐB hỏi tiếp.

Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay vừa qua chúng ta trình các cơ chế đặc thù cho một số ngành, địa phương. Đây là thực tiễn, yêu cầu khách quan.

Theo người đứng đầu Chính phủ, đất nước chúng ta là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở nền kinh tế cao, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế. Cạnh đó, tình hình thế giới và thực tiễn trong nước thay đổi rất nhanh.

Vì vậy, mọi văn bản, quy định có cái theo kịp, sát thực tế, có cái chưa. Trong khi quy trình xây dựng pháp luật tốn nhiều thời gian, công sức. Thủ tướng khẳng định việc trình ban hành các cơ chế đặc thù cho một số ngành, địa phương có đầy đủ cả cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cũng như cơ sở thực tiễn.

Về cơ sở chính trị, Nghị quyết 18, 19 của Trung ương đều nêu rõ tinh thần: "Những gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì chúng ta quyết tâm thực hiện, có thể luật hoá.

Cái gì chưa rõ, chưa chín, có luật pháp nhưng không còn phù hợp hoặc chưa có luật pháp thì chúng ta mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội".

Về cơ sở pháp lý, Luật Ban hành Văn bản QPPL cho phép việc này. “Như vậy, cơ sở pháp lý có”- Thủ tướng nhấn mạnh. Còn về cơ sở thực tiễn, Thủ tướng khẳng định vừa qua, chúng ta ban hành một số nghị quyết, như Nghị quyết 30 của QH, rất kịp thời. Một số nghị quyết thí điểm cho các địa phương cũng chứng minh có hiệu quả.

“Tuy nhiên sắp tới cần điều chỉnh cho phù hợp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, các ĐBQH và người dân để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật phải bao trùm, xuyên suốt và thống nhất” - theo Thủ tướng.

Thu-tuong.jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tăng thu, giảm chi để có nguồn cải cách tiền lương

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP.HCM) chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc bố trí thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1-7-2024.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM đề nghị Thủ tướng cho biết việc bố trí ngân sách và xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan sẽ được Chính phủ triển khai như thế nào.

cải cách tiền lương
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết.

Trả lời ĐB, Thủ tướng nhìn nhận tiền lương là vấn đề đại biểu, cử tri, nhân dân luôn quan tâm. Tiền lương là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về chủ trương, Thủ tướng cho biết Đảng cũng đã ban hành Nghị quyết 27 nhưng vừa qua chưa thực hiện được vì nguồn lực khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình trong nước, ngoài nước tác động...

"Tuy nhiên, điều quan trọng chúng ta cũng đã cố gắng, tăng thu giảm chi, hiện có 560.000 tỉ đồng để chi cho cải cách tiền lương từ 1-7 đến hết 2026. Đồng thời chúng ta cũng cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, tiệm cận với nhau" - Thủ tướng thông tin.

Bên cạnh đó, công cuộc cải cách tiền lương sắp tới sẽ tiếp tục hoàn chỉnh vị trí việc làm. Tinh giản biên chế gắn với hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu để xây dựng chính sách tiền lương khu vực nhà nước, ngoài khu vực nhà nước tiệm cận nhau, theo Nghị quyết 27.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm