Ngày 15-10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần phải trở nên lớn mạnh hơn để xứng đáng với vai trò của tổ chức này trên trường quốc tế, theo đài RT.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Global Look Press |
“Một EU với 27, 30 và sau đó là 36 quốc gia, bao gồm 500 triệu công dân tự do và bình đẳng, có thể tăng cường hơn nữa vị thế toàn cầu của nó” - ông Scholz phát biểu tại một hội nghị Các nhà dân chủ xã hội EU.
Thủ tướng Đức khẳng định ông "cam kết đối với việc mở rộng EU”, kêu gọi khối tiếp tục mở rộng sang phía đông vì điều này "sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên".
Tại hội nghị, ông Scholz tuyên bố Ukraine là một thành viên tiềm năng trong tương lai trong khi Moldova, Georgia và các quốc gia Tây Balkan đều thuộc về EU. Ba nước Georgia, Moldova và Ukraine đều đã nộp đơn xin gia nhập EU.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Scholz cũng cho rằng khối phải “chịu trách nhiệm nhiều hơn” đối với an ninh và tăng cường khả năng quốc phòng của khối, điển hình là Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu mà Đức đề xuất với sự tham gia của 14 nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Phần Lan.
Sáng kiến này nhằm mục đích tạo ra một hệ thống phòng không và tên lửa thống nhất của châu Âu thông qua việc các quốc gia châu Âu mua chung các thiết bị phòng không và tên lửa.
Ngoài sáng kiến trên, Thủ tướng Đức đề xuất các biện pháp an ninh bổ sung như thành lập lực lượng phản ứng nhanh và xây dựng một trụ sở quân sự chung của EU.
Ngoài ra, ông Scholz kêu gọi cải cách sâu rộng liên quan đến quá trình ra quyết định của khối, đặc biệt là nguyên tắc nhất trí của EU cần được xóa bỏ để tránh các tình huống những quyết định quan trọng không được thông qua.
Theo ý kiến của ông, trong chính sách đối ngoại và tài chính cần được chuyển dần sang các quyết định dựa trên đa số. Ông nhấn mạnh sự cải tổ này "không làm mất đi chủ quyền” của các quốc gia thành viên.
Dù vậy, nhà lãnh đạo Đức thừa nhận rằng những thay đổi như vậy rất khó thuyết phục các nước EU. Trước đó, ông Scholz đã nhiều lần kêu gọi loại bỏ quyền phủ quyết của các quốc gia trong EU. Tuy nhiên đề xuất đó đã bị Ba Lan và Hungary phản đối kịch liệt vì cho rằng Berlin đang tìm kiếm "vị thế thống trị” trong khối.