Hôm nay (9-5), kết luận hội nghị với doanh nghiệp có chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhận định chung là các đại biểu trong nước và quốc tế đều đánh giá cao công tác chỉ đạo chống dịch COVID-19 thành công ở Việt Nam.
Đây là một điểm sáng, Việt Nam đã đi trước nhiều nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta đã xác lập một trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bình thường ở Việt Nam.
Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng ý đưa các chuyên gia, các nhà quản lý người nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác cùng Việt Nam phát triển kinh tế đất nước, trước hết là Lào, Campuchia và nhiều nước khác trong thời gian tới.
Thủ tướng nêu ra 3 yêu cầu đối với doanh nghiệp. Một là các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thứ hai, doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững.
Thứ ba, các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất.
Thủ tướng cho biết Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước để Chính phủ có nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.
Đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.
“Tất cả doanh nghiệp đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan nhà nước, đặc biệt các địa phương, tháo gỡ cho doanh nghiệp hiện nay có nhiều vướng mắc” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh: Chủ tịch UBND các tỉnh, các bộ trưởng có liên quan phải có trách nhiệm xử lý nhanh những kiến nghị này để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng cho rằng hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Một số vấn đề lớn mà các cơ quan nhà nước phải quan tâm xử lý, đó là tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp cả về chính sách, chia sẻ cùng doanh nghiệp. “Đặc biệt, các doanh nghiệp đều mong muốn cần phải giữ ổn định vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhắc lại tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. “Các đồng chí kiểm tra, thanh tra nhiều quá cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng ta thực hiện hậu kiểm trong bối cảnh khó khăn này”.
Nâng cao đạo đức công vụ, tạo mọi thuận lợi phát triển, chủ động tìm nguồn lực cho phát triển, nhất là hạ tầng. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, các trung tâm lớn, các địa phương có liên quan, các sân bay, bến cảng… đều phải phát triển nhanh, nhất là phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam tốt nhất để giảm chi phí cho doanh nghiệp, vì không có hạ tầng thì khó phát triển.
Dẫn câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh “khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”.
Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam phát biểu. Ảnh: VGP
Trước đó, cũng tại hội nghị này, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) đã đánh giá cao những nỗ lực kiểm soát dịch, chống dịch của Việt Nam đã đem lại những kết quả tích cực.
Vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc khẳng định các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục đến đầu tư tại Việt Nam, hiệp hội này sẽ tiếp tục hỗ trợ thu hút FDI có chất lượng vào Việt Nam. Đồng thời kiến nghị Việt Nam sớm nối lại đường bay với các nước đã khống chế được dịch như Hàn Quốc để thúc đẩy việc đi lại, giao thương...
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), đề nghị Nhà nước có trách nhiệm điều hành kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp bị khủng hoảng sau đại dịch, ưu tiên cho thành phần doanh nghiệp dễ bị tổn thương, khởi nghiệp.
Ông Dương cũng cho rằng cần sớm nới lỏng với Lào và Campuchia, các nước có nguy cơ dịch thấp, ưu tiên cửa khẩu đường bộ sớm hơn thuận tiện giao thương sản xuất, kinh doanh.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng một số nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam vì "tin tưởng vào tính an toàn". Thời gian qua, các hãng công nghệ Mỹ, Hàn Quốc... đang đẩy nhanh sự đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc mùa dịch và một số đã lựa chọn Việt Nam.
Ông Trần Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), nhận định có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sau dịch, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và COVID--19.
Ông Hòe nói nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, niềm tin của các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu, bán lẻ, thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể. Các quốc gia sản xuất thủy sản cạnh tranh chính với Việt Nam, như Ấn Độ, phải phong tỏa cách ly chống dịch, giảm đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu. Còn Indonesia, Thái Lan... cũng giảm 30%.
"Khi các nước cạnh tranh chính có độ trễ về phục hồi sản xuất sau dịch so với Việt Nam thì đây là cơ hội lớn" - ông Hòe nói.