Tuyên bố trên kênh truyền hình Future TV từ thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) ngày 12-11, ông Saad al-Hariri cho biết sẽ trở về nước trong vài ngày tới để xác nhận việc ông từ chức thủ tướng Lebanon. Đây là lần thứ hai ông Hariri xuất hiện trên truyền hình Saudi Arabia kể từ ngày tuyên bố từ chức 4-11.
“Tôi đã từ chức. Tôi sẽ sớm trở về Lebanon và từ chức theo đúng hiến pháp” -ông Hariri nói trên truyền hình, cho biết phải chắc chắn về vấn đề an ninh của mình trước khi quay về.
Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri trên kênh truyền hình Future TV tại một quán cà phê ở Beirut (Lebanon) ngày 12-11. Ảnh: REUTERS
Ông Hariri bỏ sang Saudi Arabia từ ngày 3-11 và hôm sau bất ngờ tuyên bố từ chức thủ tướng Lebanon từ đài truyền hình nước này với lý do sợ bị ám sát. Ông Hariri cáo buộc nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon lấn át quyền lực ở Lebanon và cùng Iran gây bất ổn khu vực. Cha của ông - cố Thủ tướng Lebanon Rafik al-Hariri cũng bị ám sát năm 2005 và LHQ cáo buộc Hezbollah là thủ phạm.
“Việc từ chức của tôi như là một lời đánh thức Lebanon” - ông Hariri thừa nhận mình đã không từ chức đúng cách thông thường nhưng nói làm thế cũng vì muốn tạo một “cú sốc tích cực” cho Lebanon.
Hezbollah và Iran nói rằng ông Hariri đang bị Saudi Arabia giữ làm con tin. Tuy nhiên, ông Hariri khẳng định mình vẫn tự do đi lại: “Tôi được tự do ở đây. Nếu muốn rời đi ngày mai, tôi sẽ đi”.
Hình ảnh Thủ tướng Hariri trên áp phích ngoài đường phố Beirut (Lebanon). Người dân nước này đang mong ông quay về với tư cách thủ tướng. Ảnh: REUTERS
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 12-11, ông Hariri cảnh báo Lebanon đang có nguy cơ bị các nước Ả Rập vùng Vịnh trừng phạt vì nhóm vũ trang Hezbollah gây rối loạn khu vực. Ông cũng đưa ra khả năng sẽ rút lại tuyên bố từ chức nếu Hezbollah đồng ý tránh ra ngoài các xung đột khu vực như ở Yemen.
Trong cuộc phỏng vấn, đã có lúc ông Hariri phải cố kìm nước mắt trong đôi mắt mọng đỏ. Khi được hỏi có thể trả lời thêm không, ông Hariri đã nói không vì quá mệt.
Anh, Mỹ đã cảnh cáo các nước không lấy tình hình Lebanon làm cái cớ gây xung đột.
Theo ông Hariri, vấn đề chính của khu vực là việc “Iran can thiệp vào các nước Ả Rập”. Bộ Ngoại giao Anh mong muốn ông Hariri trở về càng sớm càng tốt.