Chiều 1-5, tại trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường. Cùng dự họp có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Không bao che đơn vị vi phạm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ngay sau khi nhận được thông tin về hiện tượng cá chết ở Hà Tĩnh, Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã hai lần vào miền Trung thị sát và chỉ đạo các địa phương, bộ ngành có ngay những biện pháp xử lý trước mắt.
Thủ tướng tiếp tục giao Bộ KH&CN chủ trì việc điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Nếu cần thiết thì thuê nhà khoa học nước ngoài để sớm tìm nguyên nhân. “Cần sớm có kết luận cụ thể nguyên nhân cá chết vì đây là nguyện vọng của nhân dân. Nhưng kết luận phải chặt chẽ, có đầy đủ căn cứ khoa học. Bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật cũng phải được công bố công khai, không ai được bao che cả” - Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng khẳng định Nhà nước sẽ hỗ trợ ngư dân thu mua cá, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ không để người dân thiếu đói.
Hai nguồn nghi ngờ gây ô nhiễm
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT, báo cáo: Tại Vũng Áng có hai nguồn nghi ngờ gây ô nhiễm và đã huy động các cơ quan khoa học truy tìm nguyên nhân. Ông Hà cũng thừa nhận đã chậm trong việc lấy mẫu để làm rõ nguyên nhân cá chết.
Ông Hà thông tin Bộ cùng cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với Công ty Điện lực Dầu khí Vũng Áng và Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Đây là hai đơn vị đang hoạt động có thải nước thải ra vịnh Vũng Áng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường. Ảnh: CTV
Ông Hà cũng báo cáo các hoạt động sẽ triển khai trong thời gian tới. Cụ thể, Bộ TN&MT sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có hoạt động thải nước thải ra biển; tổ chức quan trắc chất lượng môi trường nước biển ven bờ, tổng hợp kết quả quan trắc của các địa phương để phân tích, đánh giá để công khai thông tin rộng rãi tới người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng; tích cực phối hợp với các nhóm nghiên cứu của Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam về nguyên nhân cá chết…
Ông Hà khẳng định: “Bộ TN&MT sẽ kiên quyết xử lý nghiêm bất cứ tổ chức, cá nhân nào gây ô nhiễm môi trường như xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả… Nếu phát hiện cơ sở nào cố tình vi phạm, Bộ sẽ chuyển hồ sơ đề nghị truy tố theo đúng quy định pháp luật”.
Rà soát tất cả cơ sở sản xuất có xả thải ra biển
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan chức năng phải chứng minh xác đáng, kết luận khách quan nguyên nhân cá chết. Đồng thời yêu cầu Bộ TN&MT và chủ tịch UBND các địa phương tăng cường kiểm tra mọi cơ sở sản xuất, không được để tồn tại tình trạng xả thải bẩn ra biển. “Cần rà soát tất cả cơ sở sản xuất có xả thải ra biển, không chỉ riêng Formosa Hà Tĩnh” - Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT phải có biện pháp quan trắc chủ động, hiện đại hơn, giám sát môi trường tốt hơn. Bộ trưởng Bộ TN&MT phải có báo cáo, kiểm điểm về việc lắp đặt ống xả của Công ty Formosa, quy rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Cùng đó, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, TN&MT công bố công khai vị trí các điểm đánh bắt từng loại hải sản an toàn để người dân an tâm sử dụng.
Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn ăn cá ngay tại chợ để chứng minh rằng cá này sạch, cũng như việc lãnh đạo các tỉnh, thành đã xuống biển tắm vừa qua. Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã sớm công bố các chỉ số về nước biển để mọi người yên tâm.
120 tỉ đồng làm đường tránh Đèo Ngang Về khoản kinh phí hỗ trợ cho các tàu đánh bắt ven bờ bị ảnh hưởng (5 triệu đồng/tàu, tổng cộng 60 tỉ đồng) và hỗ trợ lãi suất 20 tỉ đồng cho các cơ sở thu mua, sản xuất, Thủ tướng chỉ đạo: “Điều quan trọng nhất là giảm, giãn, khoanh, xóa nợ, ngừng thu lãi suất cho các chủ tàu đang gặp khó khăn”. Thủ tướng cũng đồng ý đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình làm đường tránh Đèo Ngang với kinh phí 120 tỉ đồng. |