Nỗi lo đã nhẹ nhàng lui gót sau cuộc hội đàm thân mật giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Nhà Trắng ngày 10-2 (giờ địa phương). Chỉ vài giờ đầu tiên trong chuyến công du đến Mỹ kéo dài 48 tiếng, Thủ tướng Abe đã nhận được cam kết của ông Trump về bảo đảm an ninh cho Nhật.
Phản đối quân sự hóa biển Đông
Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định quyết tâm củng cố hơn nữa quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Nhật như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã từng tuyên bố.
Ông Trump không nhắc đến lời hăm dọa sẽ xem xét lại cam kết quân sự của Mỹ như đã từng nói lúc trước, ngược lại ông nhấn mạnh quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật là nền tảng cho hòa bình và ổn định ở khu vực Thái Bình Dương.
Ông cảm ơn nhân dân Nhật đã đón tiếp lực lượng Mỹ đồn trú. Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lực lượng Mỹ ở Nhật và khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm bảo đảm an ninh cho Nhật và mọi khu vực thuộc thẩm quyền quản lý hành chính của Nhật”. Ông mong muốn Nhật và Mỹ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ nhằm củng cố quốc phòng và năng lực phòng thủ.
Tuyên bố chung công bố sau hội đàm khẳng định Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương và Nhật sẽ đảm trách vai trò và trách nhiệm lớn hơn trong liên minh Mỹ-Nhật.
Tuyên bố chung ghi nhận Mỹ tiếp tục bảo đảm điều 5 hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật cũng bao gồm cả quần đảo Senkaku (Trung Quốc đang tranh chấp). Hai bên phản đối mọi hành động đơn phương nhằm đặt lại vấn đề Nhật quản lý quần đảo này.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi tránh gây căng thẳng trên biển Đông. Hai bên cũng phản đối quân sự hóa các vị trí tiền tiêu trên biển Đông.
Hai bên khuyến khích CHDCND Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe tại Nhà Trắng ngày 10-2. Ảnh: REUTERS
Nhật sẽ giúp kinh tế Mỹ
Tuyên bố chung ghi nhận hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy đối thoại kinh tế sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương nhằm đào sâu quan hệ thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương.
Đối thoại kinh tế sẽ do Phó Thủ tướng Nhật Taro Aso và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chủ trì.
Tại cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng, Thủ tướng Abe cho biết hai bên đã khẳng định quyết tâm thiết lập các thị trường tự do, bình đẳng và dựa trên luật pháp ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ông giải thích thương mại bình đẳng đồng nghĩa với bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và không để các doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn nhà nước can thiệp vào kinh tế.
Theo hãng tin Kyodo, lời giải thích này nhằm cảnh báo tình trạng Trung Quốc thao túng kinh tế khu vực.
Trong hội đàm, Thủ tướng Abe đã khéo léo thuyết phục ông Trump rằng Mỹ đang thừa hưởng lợi ích rộng rãi trong quan hệ kinh tế Mỹ-Nhật.
Ông nhắc lại phần lớn ô tô Nhật bán ở Mỹ do chính công nhân Mỹ sản xuất tại các nhà máy ở Mỹ. Ông nhấn mạnh Nhật đã đầu tư vào Mỹ tổng cộng 411 tỉ USD và đã góp phần tạo ra 840.000 việc làm tại Mỹ. Ông dẫn chứng công nghệ đường sắt cao tốc như ví dụ tiêu biểu Nhật có thể góp phần xây dựng ở Mỹ.
Thủ tướng Abe đã mời Tổng thống Trump thăm chính thức Nhật trước cuối năm nay.
Trump duy trì hai chiến lược then chốt
Đài truyền hình CNN khen ngợi Tổng thống Donald Trump đã thể hiện bản lĩnh của một nhà chính trị chứ không còn giữ phong cách của một ứng cử viên tổng thống dân túy như trước.
Trong vòng 24 tiếng, ông Trump đã khẳng định hai chiến lược then chốt trong chính sách của Mỹ ở châu Á. Một là trong cuộc điện đàm đầu tiên của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tối 9-2, ông khẳng định Mỹ tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”. Hai là ông tuyên bố Mỹ tiếp tục bảo đảm an ninh cho Nhật trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe ngày 10-2.
Ông Trump muốn chứng tỏ ông đang duy trì khuôn khổ chính sách đối ngoại ở châu Á mà chính quyền Mỹ đã từng áp dụng lâu nay chứ không phải xóa sạch.
CNN nhận định đây là bước ngoặt đáng kinh ngạc trong giai đoạn mới cầm quyền của Tổng thống Trump và hành động này đã trấn an các nước đồng minh của Mỹ vốn lo ngay ngáy ông Trump sẽ thay đổi cấu trúc an ninh sau khi cầm quyền.
Lầu Năm Góc thông báo hôm 8-2, một máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Trung Quốc đã bay trước mũi máy bay tuần tra biển P3-C Orion của Mỹ ở khoảng cách 305 m trong không phận quốc tế trên bãi cạn Scarborough ở biển Đông. Máy bay Mỹ phải chuyển hướng để tránh va chạm. Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ ghi nhận đây là sự kiện nguy hiểm và rất hiếm xảy ra. Báo South China Morning Post ngày 11-2 dẫn lời các chuyên gia nhận định sự kiện trên cho thấy Bắc Kinh đã bắt đầu tổ chức tuần tra thường trực trên biển Đông. Chuyên gia hải quân Nghê Nhạc Hùng ở Thượng Hải ghi nhận Trung Quốc triển khai máy bay trinh sát nhằm thăm dò và quan sát thái độ của Mỹ ở biển Đông vào đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Nhà quan sát Antony Wong Dong ở Ma Cau cho rằng không quân Trung Quốc không điều động máy bay tiêm kích ngăn chặn máy bay Mỹ là dấu hiệu cho thấy đường băng trên các đảo nhân tạo gần đó chưa sẵn sàng hoạt động. Máy bay tiêm kích bay từ đảo Hải Nam đến bãi cạn Scarborough chắc chắn sẽ không đủ nhiên liệu nếu không có máy bay tiếp dầu bay theo. |