Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Tomomi Inada ở Tokyo cùng ngày, ông Mattis trấn an Nhật về quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Nhật. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi xem liên minh của chúng tôi với Nhật là nền tảng của hòa bình, thịnh vượng và tự do ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Ông nói: “Liên minh Mỹ-Nhật là điều chủ yếu để bảo đảm an ninh khu vực, không chỉ bây giờ mà còn kéo dài trong những năm tới”. Ông nhắc đến tầm quan trọng khi hai nước tiếp tục đầu tư tăng cường năng lực quân sự. Ông cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với bộ trưởng Quốc phòng Nhật.
Hôm trước đó, tại cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, ông Mattis tiếp tục khẳng định Mỹ sẽ bảo đảm an ninh cho Nhật theo Điều 5 Hiệp định An ninh và hợp tác chung Mỹ-Nhật (Mỹ sẽ trả đũa đối với mọi cuộc tấn công vào lãnh thổ Nhật). Ông tuyên bố: “Chúng tôi kiên quyết 100% đứng về phía các bạn và nhân dân Nhật”.
Trùng hợp với chuyến thăm Nhật của ông Mattis, phi đội máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye của Mỹ đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Mỹ ở Iwakuni (Nhật) để thay thế cho phi đội VAW-115 trên tàu sân bay USS Ronald Reagan.
Trong hai ngày 2 và 3-2, tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng đưa ra cam kết tiếp tục bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc. Ông nói: “Mỹ vẫn giữ các cam kết và chúng tôi sẽ sát cánh cùng các đồng minh của chúng tôi. Quan hệ đồng minh của chúng ta sẽ là trục xoay hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương”. Ông cho biết Mỹ sẽ tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc.
Trước ngày tuyên thệ nhậm chức tổng thống, ông Donald Trump đã từng tuyên bố rút lực lượng Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc và Nhật với lý do hai nước này chỉ thụ hưởng ô dù bảo vệ an ninh của Mỹ mà không đóng góp tài chính đầy đủ. Tuyên bố đặt lại vấn đề về cam kết quân sự của Mỹ đã khiến Hàn Quốc và Nhật lo ngay ngáy. Vì lẽ đó, chuyến công du lần này của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nhằm trấn an hai nước đồng minh chiến lược của Mỹ ở châu Á.
Trong chuyến công du, ông Mattis nhấn mạnh đến hai vấn đề. Một là khiêu khích từ CHDCND Triều Tiên vào lúc nước này tăng cường thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Và hai là tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông.
Đúng ngày ông Mattis lên đường sang Hàn Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã tuyên bố “Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông”, đồng thời yêu cầu “các nước ngoài khu vực tôn trọng các lợi ích chung, duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực”.
Chuyên gia Christopher Mirasola, chủ bút báoHarvard International Law (Mỹ), ghi nhận trong chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật, Bộ trưởng Mattis đã không hề đưa ra yêu cầu hai nước này phải trả thêm chi phí bảo đảm lực lượng Mỹ trú đóng (khoảng 80.000 quân).
Chuyến công du của ông Mattis cho thấy trước mắt dưới thời tân bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và tân tổng thống Mỹ, Mỹ mong muốn bày tỏ thái độ tiếp tục duy trì các cam kết quân sự ở châu Á. Tuy nhiên, đây là giai đoạn Tổng thống Trump mới cầm quyền, vì thế vẫn chưa rõ Mỹ sẽ có thay đổi gì trong thời gian sắp tới một khi chính quyền của ông Trump đã đi vào ổn định. Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục chờ đợi để có đối sách phù hợp.