Sáng 24-3, tại Khu kinh tế mở Chu Lai, UBND tỉnh Quảng Nam và Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã tổ chức lễ khởi công Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp; Khu công nghiệp cơ khí và ô tô Thaco Chu Lai mở rộng; Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng 5 vạn tấn và Khu nhà ở công nhân, tái định cư.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo nhiều bộ ngành trung ương đã tới tham dự. Thủ tướng cho rằng, Chu Lai hứa hẹn là nơi “đất lành chim đậu” cho doanh nghiệp.
Thaco khởi công hàng loạt dự án tại Chu Lai trong sáng nay. Ảnh: HOÀI AN.
Thủ tướng cho biết gần 20 năm trước, ít ai có thể hình dung một vùng đất cằn cỗi, hoang hóa như Chu Lai lại có thể trỗi dậy mạnh mẽ như hiện nay.
Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của Thaco tại Chu Lai đạt gần 42.000 tỉ đồng, đảm bảo công ăn việc làm cho gần 9.000 người, đóng góp gần 16.000 tỉ đồng vào ngân sách, đưa nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam đạt gần 1 tỉ USD.
Thủ tướng cho hay, khu kinh tế mở Chu Lai đã góp phần khẳng định một cách đúng đắn vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là đối với vùng đất mà người xứ Quảng hay gọi là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này.
Thủ tướng cho rằng bài học về thành công của Thaco và khu kinh tế mở Chu Lai không nằm dưới lòng đất hay ngoài biển khơi mà ở trong chính khối óc, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và khát vọng vượt lên của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Lô hàng đầu tiên từ sự hợp tác giữa Thaco và Hoàng Anh Gia Lai được xuất khẩu. Ảnh: HOÀI AN.
“Chu Lai không chỉ là nơi sản xuất ô tô nổi tiếng, trong tương lai, phải đóng góp quan trọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ nội thất của thế giới”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng để thành công, các địa phương cần vận động bằng được những “con sếu” đầu đàn, có khả năng đi trước dẫn đường. Lãnh đạo địa phương phải luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, chia sẻ khó khăn, coi thành công của doanh nghiệp là thành công của địa phương. Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư phải xây dựng cho mình tư tưởng tương tự.
“Chìa khóa quan trọng để thực hiện được điều này là công thức 3 bên cùng thắng, win-win-win, giữa Đảng Bộ, chính quyền-cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân địa phương”, Thủ tướng nói.
Ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco) chia sẻ: Trước bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, sự thay đổi cơ bản và toàn diện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với định hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam, Thaco đã hoạch định chiến lược phát triển là trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó cơ khí và ô tô là chủ lực.
Ông Trần Bá Dương và ông Đoàn Nguyên Đức kí thoả thuận hợp tác. Ảnh: HOÀI AN.
Theo ông Dương, Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp được khởi công ngày hôm nay cùng với Khu công nghiệp chuyên lúa đang triển khai tại tỉnh Thái Bình và trong tương lai sẽ triển khai tiếp Khu công nghiệp nông nghiệp chuyên trái cây tại khu vực Đông Nam Bộ, Khu công nghiệp nông nghiệp chuyên lúa tại đồng bằng sông Cửu Long... sẽ tạo sự đột phá - nâng tầm thương hiệu nông lâm sản Việt Nam.
Khu công nghiệp cơ khí và ô tô mở rộng được Thaco đã khởi công sáng nay có diện tích 115 ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng là 1.600 tỉ đồng.
Riêng dự án khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp chuyên nông nghiệp tập trung mà chính yếu là cây ăn trái và cây lâm nghiệp nhằm thực hiện chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu phát triển giống cây trồng; công nghệ và kỹ thuật canh tác; thu hoạch, chế biến và phân phối, qua đó phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia của Hoàng Anh nông nghiệp Gia Lai.
Khi hoàn thành, dự án này giải quyết 20.000 lao động. Trước đó, Thaco đã ký hợp tác chiến lược với tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Hoàng Anh Nông nghiệp Gia Lai (HNG), qua đó Thaco sở hữu 35% cổ phần của HNG. Trong hơn bảy tháng qua, Thaco đã ứng vốn trên 10.500 tỷ đồng để giúp HNG tái cơ cấu nợ và chuyển đổi một phần diện tích cây cao su, cọ dầu sang trồng cây ăn trái.
Thaco sẽ xây dựng nhà máy chế biến trái cây có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 2.400 tỷ đồng. Trong sáng cùng ngày, Thaco cũng đã xuất đi chuyến hàng nông sản đầu tiên sang Trung Quốc.