Các sự kiện này có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các bộ ngành.
Tại huyện ven biển Thái Thụy, nhà máy nhiệt điện Thái Bình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được khánh thành có hai tổ máy với tổng công suất 600 MW. Tổng mức đầu tư của dự án là 26.500 tỉ đồng (tương đương với 1,27 tỉ USD. Tổng thầu thực hiện dự án là tập đoàn Marubeni Corporation (MC) – Nhật Bản.
Sau thời gian hơn bốn năm thi công, xây dựng, lắp đặt các thiết bị, cả hai tổ máy của nhà máy đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 4-2018. Dự án được đánh giá đảm bảo chất lượng và tuân thủ tốt các quy định về môi trường…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng lãnh đạo các bộ ngành cắt băng khánh thành dự án Nhiệt điện Thái Bình. Ảnh: HC
Đặc biệt, dự án nhiệt điện than này triển khai vào lúc các vấn đề môi trường được dư luận quan tâm và Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng ban hành nhiều quy định với tiêu chuẩn cao hơn. Do đó, tiêu chuẩn thiết bị, khí thải, nước thải cùng công nghệ sản xuất nhiệt điện Thái Bình được lựa chọn và thực hiện với đòi hỏi cao hơn hẳn so với các công trình tương tự trước đó.
Nhà máy nhiệt điện Thái Bình sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi thông số cận tới hạn. Đây là loại công nghệ đã được áp dụng phổ biến trên thế giới. Tro xỉ nhà máy thải ra được sử dụng làm phụ gia xi măng nên đã được tiêu thụ hết, không có tro xỉ tồn dư, môi trường được đảm bảo.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hợp tác giữa các nhà thầu Nhật Bản, Việt Nam cũng như sự tham gia tích cực của tỉnh Thái Bình, của người dân địa phương trong việc chuẩn bị mặt bằng, giải quyết lợi ích cho cư dân trong vùng dự án. Thủ tướng cũng lưu ý đây dự án công nghiệp lớn, quá trình vận hành cần kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình (phải) do EVN làm chủ đầu tư và Nhiệt điện Thái Bình 2 (trái) do PVN đầu tư. Ảnh: TP
Thủ tướng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo tháo gỡ cho dự án nhiệt điện Thái Bình 2, nằm kề sát nhà máy nhiệt điện Thái Bình. Dự án này dù đã triển khai từ năm 2011, trước cả nhiệt điện Thái Bình bốn năm, đến nay hoàn thành 83% khối lượng nhưng đang rơi vào tình trạng đình trệ. Thủ tướng cho biết các phương án hỗ trợ đang được tính toán với mục tiêu 2020, dự án có thể hòa lưới điện quốc gia, nghiệm thu, khánh thành.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình và triển khai thực hiện dự án khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp đồng bằng Bắc bộ.
Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thái Bình với chiều dài 34,5 km, tổng mức đầu tư trên 3.800 tỉ đồng. Trong khi đó, dự án khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp đồng bằng Bắc bộ do Tập đoàn Thaco đầu tư, với tổng mức đầu tư trên 7.800 tỉ đồng;. Dự án triển khai đến năm 2021 trên diện tích khoảng 194 ha, sẽ tạo tiền đề xây dựng nên nông nghiệp tiên tiến, tạo giá trị cao cho sản phẩm và hướng tới hội nhập kinh tế thị trường thế giới.
Dự án sẽ tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến, tạo giá trị cao cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng tham dự khởi công dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Thái Bình do Tập đoàn FLC đầu tư. Bệnh viện được xây dựng theo mô hình bệnh viện – khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Thái Bình tọa lạc tại Khu Trung tâm Y tế tỉnh Thái Bình
Dự án có quy mô 1.000 giường bệnh nằm trong chủ trương xã hội hóa y tế theo Nghị quyết của Chính phủ. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 3.722 tỉ đồng. Giai đoạn 1 của dự án với quy mô 500 giường bệnh dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động vào đầu năm 2022.