Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật hỗ trợ ASEAN ngành công nghiệp phụ trợ

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào ASEAN, hỗ trợ doanh nghiệp ASEAN tham gia vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật…

Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị Cấp cao ASEAN, ngày 10-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 27.

Lãnh đạo các nước ASEAN và lãnh đạo Nhật Bản dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 27 - Ảnh: VGP

ASEAN - Nhật cam kết đẩy mạnh thương mại - đầu tư

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 27, lãnh đạo các nước đánh giá cao thành công của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Nhật Bản tại Tokyo vào tháng 12-2023, và hoan nghênh những tiến triển tích cực trong quan hệ thời gian qua.

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 239,4 tỷ USD, và là nhà đầu tư FDI lớn thứ 5 vào ASEAN, đạt 14,5 tỷ USD năm 2023.

Lãnh đạo các nước khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai các cam kết, sáng kiến và kết quả cấp cao kỷ niệm, bao gồm Tuyên bố Tầm nhìn chung và Kế hoạch thực hiện Tuyên bố.

Cụ thể, ASEAN và Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, củng cố chuỗi cung ứng, kết nối hạ tầng; tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh biển, chống tội phạm xuyên quốc gia, tăng cường an ninh mạng, quản lý và ứng phó với thiên tai. Hai bên cũng sẽ dành ưu tiên cao cho hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, phát triển cơ sở hạ tầng xanh, hệ sinh thái xe điện, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân, du lịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru - Ảnh: VGP

Bày tỏ vui mừng trong lần đầu tiên tham dự hội nghị cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản, không ngừng được củng cố và phát triển qua 50 năm trên cơ sở 3 trụ cột "đối tác từ trái tim đến trái tim qua các thế hệ", "đối tác đồng kiến tạo kinh tế và xã hội tương lai"; và "đối tác vì hoà bình và ổn định".

Thủ tướng Ishiba Shigeru cũng khẳng định cam kết của Nhật Bản tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Thủ tướng hoan nghênh thành công của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản tháng 12-2023, là dấu mốc lịch sử và khởi đầu kỷ nguyên hợp tác mới cho quan hệ hai bên; khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư hơn nữa vào ASEAN - Ảnh: VGP

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh thành công của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản tháng 12-2023, là dấu mốc lịch sử và khởi đầu kỷ nguyên hợp tác mới cho quan hệ hai bên.

Nhấn mạnh hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư cần tiếp tục là động lực chính, đồng thời đẩy mạnh kết nối các nền kinh tế hai bên, Thủ tướng khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư hơn nữa vào ASEAN, đề nghị Nhật Bản tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ASEAN tham gia vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng lực lượng lao động tay nghề cao.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, bán dẫn, điện toán đám mây, internet vạn vật, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh...

Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tiếp tục hợp tác, hỗ trợ các nước ASEAN, tiểu vùng Mekong ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và thực hiện cam kết giảm phát thải, trong đó có thông qua sáng kiến "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhằm kiến tạo tương lai phát triển tự cường và bền vững, tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa, thiên tai, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tiếp tục hợp tác, hỗ trợ các nước ASEAN, tiểu vùng Mekong ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và thực hiện cam kết giảm phát thải, trong đó có thông qua sáng kiến "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á".

Thủ tướng nhấn mạnh, hai bên cần tăng cường phối hợp chiến lược vì hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, theo đó đề nghị Nhật Bản tiếp tục ủng hộ lập trường chung ASEAN về Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, nỗ lực hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS 1982, hướng tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel

Chiều 10-10, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại Vientiane, Lào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel.

Tại cuộc gặp, hai nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng của quan hệ Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU), đặc biệt là hợp tác kinh tế, thuơng mại và đầu tư từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực năm 2020.

Hai bên nhất trí tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hợp tác tương xứng với tiềm năng; đẩy mạnh hơn nữa các trao đổi, tiếp xúc cấp cao; tháo gỡ vướng mắc và rào cản đối với thương mại, đầu tư; hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với EU và các nước thành viên; đề nghị EU tiếp tục quan tâm, thúc đẩy các nước thành viên còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa hai bên (EVIPA), và sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thuỷ hải sản của

Việt Nam. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới phía EU đã cung cấp khoản viện trợ nhân đạo trị giá 650 ngàn Euro giúp Việt Nam khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi vừa qua.

Nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng trong triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU, Chủ tịch Charles Michel khẳng định EU sẽ thúc đẩy sớm phê chuẩn EVIPA, xem xét tích cực việc tháo gỡ thẻ vàng IUU cho Việt Nam, và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với EU và các nước thành viên.

Trao đổi về tình hình quốc tế, hai bên đề cao tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu. Chủ tịch Charles Michel bày tỏ mong muốn cùng Việt Nam và các nước thành viên ASEAN làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác giữa ASEAN và EU, khẳng định ủng hộ lập trường chung và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, nhất là Biển Đông, Myammar.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở khu vực và trên thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới